📞

Chính sách 3 con có đảo ngược triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc?

Linh Chi 13:15 | 03/06/2021
Cuộc điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ sinh và số lượng lao động nhập cư đã giảm đáng kể. Theo chuyên gia kinh tế Hao Zhou, chính sách 3 con mới của Trung Quốc khó có thể cải thiện triển vọng kinh tế ảm đạm trong dài hạn của quốc gia này.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách 3 con sẽ không thay đổi đáng kể xu hướng già hóa của Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại ngân hàng Commerzbank Hao Zhou có bài viết trên trang South China Morning Post về vấn đề chính sách 3 con mới của Trung Quốc khó cải thiện triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong dài hạn.

Lý do giới trẻ Trung Quốc ngại sinh con

Theo chuyên gia Zhou, tháng 5/2021, Trung Quốc đã công bố báo cáo điều tra dân số (thực hiện một lần trong một thập kỷ). Báo cáo cho thấy, tốc độ gia tăng dân số của quốc gia này tiếp tục giảm. Từ năm 2010-2020, dân số tăng trung bình 0,53% mỗi năm, tốc độ chậm nhất trong bất kỳ thập kỷ nào kể từ cuộc điều tra dân số đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1953.

Một trong những lý do dẫn đến sự giảm tốc này là chính sách 1 con, vốn để ngăn chặn tình trạng dân số tăng quá nhanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước, khi công bố báo cáo điều tra dân số của giai đoạn đó, Bắc Kinh nhận ra rằng sự suy giảm mạnh về dân số sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế và xã hội.

Do đó, các nhà chức trách dần nới lỏng chính sách và chuyển sang chính sách 2 con vào năm 2015. Và ngày 31/5 vừa qua, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng chính sách 3 con trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Chính sách này phản ánh rõ ràng nhu cầu cấp thiết để giải quyết những thách thức về vấn đề dân số tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Zhou cho rằng, vẫn còn bỏ ngỏ liệu chính sách 3 con có hiệu quả hay không? Sau khi chính sách 2 con được áp dụng, số lượng em bé chào đời đã tăng nhẹ vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng tạm thời vì ngay sau đó, con số này lại giảm đáng kể.

Năm 2020, Trung Quốc chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh, con số thấp nhất trong 6 thập kỷ. Với tác động rất nhỏ của việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ, vẫn còn nghi vấn liệu việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế do đại dịch Covid-19 có thể thay đổi xu hướng bất lợi của tỷ lệ sinh trong dài hạn hay không.

Tổng mức sinh của Trung Quốc (số lượng trẻ em trung bình do phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sinh ra) đã giảm xuống mức từ 1,3-1,7 trẻ em trên một phụ nữ trong thập kỷ qua, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì mức dân số hiện nay trong trung hạn và dài hạn.

Trong khi đó, trên mạng xã hội của Trung Quốc, người dân quốc gia này đã trao đổi về nguyên nhân khiến thế hệ trẻ ngại sinh con. Và nguyên nhân đến từ giá nhà ở cao, khối lượng công việc lớn và sự cạnh tranh khốc liệt trong vấn đề tiếp cận nguồn lực giáo dục.

Yifei Li, nhà xã hội học tại Đại học New York Thượng Hải nhận định: "Mọi người ngại sinh con không phải bởi giới hạn 2 con, mà bởi chi phí nuôi dạy con cái quá cao. Nhà ở, các hoạt động ngoại khóa, thực phẩm và mọi thứ khác đang tăng lên nhanh chóng".

Nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế giá bất động sản, tối đa hóa các nguồn lực dạy học nhưng vẫn có rất ít có dấu hiệu cho thấy, thanh niên tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ nhiệt tình hơn trong chuyện trở thành các bậc cha mẹ.

Đã quá muộn?

Vị chuyên gia cho rằng, việc cho phép các gia đình sinh con thứ 3 cũng sẽ không thay đổi đáng kể xu hướng già hóa của Trung Quốc.

Trong một cuộc thăm dò trên mạng xã hội Weibo về chính sách 3 con mới đây, có khoảng 29.000 trong số 31.000 người được hỏi cho biết, họ sẽ "không bao giờ nghĩ đến". Một người dùng mạng xã hội này khẳng định: "Tôi sẵn sàng có ba đứa con nếu bạn cho tôi 5 triệu Nhân dân tệ (785.650 USD)".

Triển vọng kinh tế dài hạn vẫn ảm đạm

"Dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm và đang già đi nhanh chóng. Sức sống kinh tế của quốc gia này sẽ tiếp tục suy yếu". - Giáo sư Yi Fuxian của Đại học Wisconsin-Madison.

Chuyên gia kinh tế Zhou cho rằng, điều đáng lo ngại là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2010 và đã bắt đầu giảm từ đó.

Một dự báo của Liên hợp quốc vào năm 2019 cho thấy, ngay cả với kịch bản tốt nhất (với tỷ lệ sinh tăng lên mức 2 con ứng với một phụ nữ) thì tỷ lệ dân số trong độ tuổi sinh đẻ của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm trong các thập kỷ tiếp theo trước khi ổn định vào khoảng năm 2055.

Mức tổng sinh của Trung Quốc là vào khoảng 1,3 con trên một phụ nữ vào năm 2020 - mức này đã thấp hơn kịch bản xấu nhất do Liên hợp quốc đưa ra, trong đó tỷ lệ người từ độ tuổi 15-64 sẽ giảm đều đặn cho đến cuối thế kỷ này, khi mức sinh của Trung Quốc sẽ chưa đến 0,5.

Xu hướng nhân khẩu cũng thể hiện ở số lao động nhập cư. Theo một báo cáo do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, sự gia tăng số công nhân nhập cư đã giảm trong thập kỷ qua. Chẳng hạn, vào năm 2020, lần đầu tiên số lượng người thuộc nhóm này đã thấp hơn năm trước đó.

Điều này có thể một phần là do đại dịch Covid-19 và các hậu quả của đại dịch về kinh tế, nhưng xu hướng cơ bản có thể sẽ giảm trong những năm tới. Rõ ràng, tiềm năng lao động của dân số nông thôn Trung Quốc đang dần cạn kiệt.

Trong khi đó, lao động nhập cư của Trung Quốc cũng ngày càng già đi. Những người từ 40 tuổi trở lên hiện chiếm khoảng một nửa tổng số lao động nhập cư, so với khoảng 30% vào năm 2008.

Chuyên gia Zhou nhận định, nhìn từ Nhật Bản, có thể thấy tác động của các xu hướng nhân khẩu đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản đã giảm đáng kể do lực lượng lao động chủ lực bắt đầu thu hẹp vào những năm 1990. Điều này đã gây thêm tăng áp lực lên hệ thống hưu trí và y tế của quốc gia này.

Ông Zhou nói: "Có thể nhận thấy, với số lượng dân trong độ tuổi lao động suy giảm, triển vọng kinh tế của Trung Quốc sẽ u ám hơn".

Các dự báo cho thấy, trong những năm tới, dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ giảm và Trung Quốc có thể sẽ không đủ khả năng bù đắp lại sự thiếu hụt này dù quốc gia này có tăng tuổi nghỉ hưu.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại ngân hàng Commerzbank khẳng định: "Như vậy, chỉ còn cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nâng cao năng suất của mỗi công nhân. Nhưng điều này cũng rất khó bởi mức tăng năng suất tại Trung Quốc đã giảm.

Tóm lại, tính tất cả yếu tố thì các dự báo đều cho ra một kết quả là nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm trong các năm tới".

(theo Reuters, SCMP)