Nhỏ Bình thường Lớn

Chính sách Mỹ Latinh của Obama: Bình mới rượu cũ

Với những gì diễn ra tuần trước ở Honduras, các nhà phân tích cho rằng chính sách Mỹ Latinh của chính quyền Barack Obama cũng chẳng khác gì so với thời cựu Tổng thống G.Bush.
Tổng thống Honduras bị lật đổ Manual Zeyala (trái) trong một cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Obama tại Liên hợp quốc.

Hồi tháng trước, Tổng thống Obama đã không thể trì hoãn quyết định bổ nhiệm ông Arturo Valenzuela làm Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề ở Bán cầu Tây. Chức vụ có cái tên rất dài, nhưng thực quyền lại rất ít. Vẻ bề ngoài, ông Valenzuela được Tổng thống chỉ định, nhưng thực tế, công việc này hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của những thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội cũng như những thành viên bảo thủ trong chính quyền Obama hiện nay.

Có vẻ như Mỹ Latinh đang đứng ở hàng ưu tiên phía sau trong khi Washington đang phải tập trung vào vấn đề Afghanistan. Tuy nhiên, năm tới, ông Obama có kế hoạch cải cách chính sách nhập cư, một vấn đề liên quan chặt chẽ đến nỗ lực mà Mỹ hỗ trợ cho khu vực Mỹ Latinh xây dựng các thế chế dân chủ và công bằng hơn, giống như hai vấn đề tự do thương mại và chống nạn buôn bán thuốc phiện. Vấn đề là, khi năm đầu tiên của nhiệm kỳ sắp kết thúc, ông Obama dường như vẫn để mặc chiến lược Mỹ Latinh cho những nhà cựu binh của Chiến tranh Lạnh - vốn cho rằng đảo chính là phương pháp thay đổi chế độ chấp nhận được.

Bởi thế, chính quyền Mỹ đã gần như mâu thuẫn trong thái độ đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras. Ban đầu, Washington chỉ trích việc Tổng thống Zelaya bị lật đổ hôm 28/6 là một sự sỉ nhục với nền dân chủ của Mỹ Latinh. Nhưng những nhà bảo thủ dẫn đầu là Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Jim DeMint và những thành viên trước đây làm việc dưới thời ông Bush như Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ Lewis Amselem, đã đẩy ông Obama vào thế phải chấp nhận một thỏa thuận. Theo thỏa thuận, Mỹ công nhận kết quả bầu cử của Honduras hôm 29/11, trong khi hầu hết các nước trên thế giới phản đối tính hợp pháp của cuộc bỏ phiếu. Việc thiếu nhất quán trong chính sách với Honduras của Mỹ sẽ chỉ càng tiếp thêm sức mạnh cho những lực lượng có âm mưu đảo chính tại các quốc gia ở Mỹ Latinh.

Honduras không phải là dẫn chứng duy nhất cho việc ông Obama không thực hiện được những gì mà ông tuyên bố về Mỹ Latinh. Tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Mỹ ở Trinidad, ông cam kết từ bỏ việc áp đặt tiêu chuẩn kép của Washington với khu vực. Ông cũng giành được thiện cảm vì thừa nhận rằng cuộc chiến thuốc phiện liên quan tới sức tiêu thụ tại Mỹ cũng như nạn tham nhũng ở Mỹ Latinh. Nhưng ông đã khiến nhiều người thất vọng khi miễn cưỡng chống lại những người ủng hộ cấm vận Cuba, trong khi đa phần người Mỹ gốc Cuba đang kêu gọi Mỹ cho phép công dân Mỹ du lịch tới Đảo quốc này và nói rằng họ đã quá mệt mỏi với lệnh cấm vận kéo dài gần nửa thập kỷ nay.

Ở Nam Mỹ, ông Obama biến cuộc chiến chống thuốc phiện thành một cuộc tranh cãi ngoại giao. Không tham vấn với các lãnh đạo khu vực và ký với Colombia thỏa thuận sử dụng các căn cứ quân sự của nước này, ông đã làm sống dậy nỗi sợ hãi của người dân trong khu vực về sự can thiệp quân sự của Mỹ đồng thời làm chính các đồng minh của Mỹ, như Brazil, tức giận. Đây cũng chính là những gì mà ông Bush đã từng thể hiện ở khắp Mỹ Latinh, khiến cho phe cánh tả có quan điểm chống Mỹ có cơ sở phóng đại nguy cơ từ Mỹ, điển hình là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Thêm vào đó là thói quen quá nhấn mạnh vào các cuộc bầu cử của Mỹ, coi đây như liều thuốc chữa bách bệnh. Dĩ nhiên một cuộc bỏ phiếu công bằng là một điều tốt. Mỹ vẫn chỉ trích ông Chavez là độc tài, nhưng nhà lãnh đạo này vẫn giữ được quyền lực trong 10 năm qua, và có thể thêm 10 năm tới, qua phương pháp "hợp pháp" theo quan điểm của Mỹ là bầu cử.

Bản thân ông Valenzuela, một chuyên gia có tiếng về Mỹ Latinh, cũng thấy thất vọng trước quyết định của Quốc hội Honduras mới đây không để cho Tổng thống bị lật đổ Zelaya được phục chức để kết thúc nhiệm kỳ trong hai tháng tới. "Nguyên trạng kiểu này là không thể chấp nhận được", ông nói. Nhưng "nguyên trạng" chính là những gì mà Tổng thống Obama đang phó mặc cho những người cũ (dưới thời ông Bush) thực hiện. Đã đến lúc ông Valenzuela phải giành lấy quyền kiểm soát chiến lược Mỹ Latinh từ tay họ!

Phương Nguyên (Theo Time)