📞

Chính thức khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững

13:33 | 19/06/2017
Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, sáng 19/6, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững APEC đã chính thức khai mạc với sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên và diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín.

Tham dự phiên khai mạc có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long; Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC TS. Alan Bollard và đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC; các tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUNC).

Sáng kiến của Việt Nam

Trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững, để đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững trong APEC, hướng ứng Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời cũng hướng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì cuộc Đối thoại. (Nguồn: BQN)

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, du lịch là một trong những ưu tiên hợp tác của APEC và quá trình phát triển du lịch mang lại hiệu quả đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xác định rõ thực trạng và đề ra các hành động thiết thực, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sự thịnh vượng của khu vực. Ngành du lịch trong năm 2016 đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP của khu vực APEC và tạo ra 67 triệu việc làm trực tiếp.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam và khu vực… làm nổi bật tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm đảm bảo việc phát triển du lịch bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Theo đó, người đứng đầu ngành Du lịch Việt Nam nhận định, các nước APEC cần hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân về việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học.

Đối thoại thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. (Nguồn: BQN)

Đối với Việt Nam, hợp tác du lịch trong APEC đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC, trong đó, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế, chiếm 85% lượng khách từ các nền kinh tế thành viên APEC đến Việt Nam.

Tại phiên khai mạc, TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC đã đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững. Mục tiêu để phát triển nền kinh tế của 21 thành viên APEC đều hướng tới việc cải thiện mức sống của người dân địa phương. Để phát triển du lịch bền vững thì vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn. Thêm vào đó, các nền kinh tế cần tập trung vào các lợi thế địa phương đồng thời chú trọng việc bảo vệ môi trường hơn nữa.

Mặc dù các nền kinh tế APEC có khác nhau về trình độ phát triển, nhưng tại diễn đàn lần này họ sẽ chia sẻ những kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững. Thúc đẩy du lịch không chỉ là gia tăng lượt khách đến mà phải làm sao cho cuộc sống người dân tại mỗi nền kinh tế tốt hơn nữa. Đây là điều cốt lõi mà APEC hướng tới.

Tại phiên họp đầu tiên, đại diện Việt Nam sẽ trình bày bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Du lịch bền vững APEC trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Quảng Ninh khác biệt nhưng phải bền vững

Đối thoại được chọn tổ chức tại thành phố Hạ Long, địa danh gắn liền với Vịnh Hạ Long từng 2 lần được UNESCO công nhân là di sản thiên nhiên thế giới, bao gồm 3 phiên họp quan trọng là: Phát triển du lịch bền vững trong thế giới đang thay đổi; Kinh nghiệm và tầm nhìn hợp tác phát triển du lịch bền vững APEC; và Thông qua tuyên bố của đối thoại chính sách cao cấp.

Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Đức Long trao đổi cùng các đại biểu tham dự Đối thoại. (Nguồn: BQN)

Phát biểu chào mừng các đại biểu về dự Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, trên hành trình phát triển và hội nhập, Quảng Ninh đã xác định và tổ chức thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược là kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Quan điểm của Quảng Ninh là phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên của thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách.

Quảng Ninh đang xây dựng để trở thành Trung tâm du lịch quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 đến 16 triệu lượt/năm, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 30.000-40.000 tỷ VNĐ; thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10-15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người; đóng góp của ngành du lịch vào GRDP đạt từ 14 đến 15%.

Qua sự kiện này, Chủ tịch Nguyễn Đức Long mong muốn cộng đồng du khách của các nước thành viên APEC hãy đến với Quảng Ninh - một vùng đất tiềm năng của Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của mọi người trên thế giới.

Kết thúc các phiên họp, các Lãnh đạo Du lịch APEC dự kiến thông qua tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC: (1) Lồng ghép các nguyên tắc của du lịch bền vững trong tất cả các hoạt động du lịch và lữ hành; (2) Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch một cách bền vững; (3) Khuyến khích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất bền vững trong ngành du lịch; (4) Đo lường và giám sát sự thành công của các hành động thúc đẩy du lịch bền vững; (5) Nghiên cứu chuyên sâu để thích ứng và tận dụng những công nghệ mới để phát triển du lịch thông minh và bền vững; (6) Xây dựng một khuôn khổ hợp tác thống nhất cho hành động chung trong APEC để đảm bảo tính bền vững của du lịch và lữ hành.