Thủ tướng Italy cùng chính phủ đang đối mặt những bất lợi có thể dẫn tới sụp đổ. (Nguồn: AFP) |
Chỉ 133 nghị sĩ tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, trong khi có tới 320 Thượng nghị sĩ đủ tư cách bỏ phiếu.
Các Thượng nghị sĩ thuộc đảng Phong trào 5 sao (M5S) có mặt nhưng không bỏ phiếu và phía đảng Liên đoàn (Lega) và Tiến lên Italia (Forza Italia) không tham gia bỏ phiếu.
Sự vắng mặt của 3 chính đảng trong liên minh cầm quyền trên được đánh giá là có nguy cơ gây ra ảnh hưởng bất lợi đến chính quyền của Thủ tướng Draghi.
Ông Draghi vượt qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm với 95 phiếu ủng hộ, 38 phiếu chống. Tuy nhiên, hãng thông tấn ANSA của Italy dẫn các nguồn tin trong quốc hội cho rằng, Thủ tướng Mario Draghi có thể sẽ thông báo quyết định từ chức tại phiên báo cáo tại Hạ viện ngày 21/7.
Trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm, Thượng nghị sĩ Stefano Candiani của Lega khẳng định, đảng này luôn trung thành và ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Draghi tuy nhiên, nêu rõ: “Hành động của chính phủ hiện nay không thể dựa trên sự không đáng tin cậy (ám chỉ M5S)".
Theo ông, phải có một chính phủ bao gồm những người nghiêm túc, đồng thời khẳng định đảng này "sẽ không bỏ phiếu tín nhiệm”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Annamaria Bernini của Forza Italia nhấn mạnh: “Chúng tôi tin vào một hiệp ước mới (theo đề xuất của Thủ tướng Draghi), chúng tôi tin vào Thủ tướng Draghi”, song nhóm Forza Italia tại Thượng viện sẽ không tham gia vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Các đảng thuộc phe trung hữu trên đã ra một tuyên bố chung yêu cầu Thủ tướng Mario Draghi thành lập một chính phủ mới "đổi mới sâu sắc", tức là với các bộ trưởng mới và không có M5S.
Đây được đánh giá là một yêu cầu có tính gây rối và chắc chắn sẽ khiến Thủ tướng gặp khó khăn, khi ông đang suy nghĩ về những việc phải làm.
Ông Draghi đã yêu cầu có sự đồng ý rộng rãi nhất có thể tại Quốc hội bởi vì ông không phải là một Thủ tướng được bầu và nhấn mạnh “con đường duy nhất nếu chúng ta muốn ở lại cùng nhau là xây dựng hiệp ước đa số một lần nữa với lòng dũng cảm, vị tha và tin cậy. Người dân Italy đang rất cần điều đó”.
Trong khi đó, M5S bày tỏ thất vọng khi Thủ tướng Draghi đã không trả lời các yêu cầu của họ trong bài phát biểu trước Thượng viện và thúc giục ông giải quyết các vấn đề khi muốn duy trì liên minh cầm quyền.
Theo hãng tin Rainews, ngoại trừ những yếu tố bất ngờ, Thủ tướng Draghi có thể thông báo từ chức ngay sau khi khai mạc phiên họp tại Hạ viện vào ngày 21/7 (giờ địa phương).
Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, trong đó bao gồm việc tiến hành tham khảo ý kiến từ các lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện, chuẩn bị sắc lệnh giải tán Nghị viện và bầu cử phải được tiến hành trong vòng 70 ngày sau khi giải tán Nghị viện.
Cuộc bầu cử trước thời hạn được cho có khả năng sẽ diễn ra vào ngày 2/10.