📞

Chip bán dẫn sẽ ngày càng đắt đỏ khi nguồn nước khan hiếm

14:00 | 02/03/2024
Bán dẫn càng tiên tiến thì sẽ có nhiều bước xử lý và lượng nước tiêu thụ càng nhiều, dẫn đến tình trạng khan nước khiến cho chip bán dẫn sẽ ngày càng đắt đỏ hơn.

Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings cho thấy TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có nguy cơ thiếu nước khi công nghệ bán dẫn ngày càng hiện đại.

Sản xuất bán dẫn được xem như ngành công nghiệp “khát nước” vì những nhà máy tiêu thụ lượng nước khổng lồ mỗi ngày để làm mát máy móc cũng như đảm bảo các tấm wafer không có bụi hoặc mảnh vụn.

Nhà phân tích Hins Li của S&P Global Ratings cho biết có liên quan trực tiếp giữa nước và mức độ tinh vi của chip. Nhà máy sử dụng nước siêu tinh khiết (nước ngọt đã được xử lý với độ tinh khiết cực cao) để rửa những tấm wafer giữa mỗi quy trình. Bán dẫn càng tiên tiến, càng nhiều bước và càng tiêu thụ nhiều nước.

Một hồ chứa cung cấp nước cho TSMC cùng những nhà sản xuất chip khác tại Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan, Trung Quốc) chỉ đạt khoảng 30% lượng trữ bình thường ngay cả khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5/2021.

Lượng nước tiêu thụ trên mỗi đơn vị chip của TSMC cũng đã tăng hơn 35% sau khi tiến tới những nút xử lý 16nm vào năm 2015, dữ liệu từ S&P tiết lộ. Là cái tên thống trị trên thị trường sản xuất chip tiên tiến, nếu như hoạt động của TSMC bị gián đoạn do thiếu nước, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có thể sẽ bị phá vỡ.

Tuy nhiên, S&P lưu ý TSMC có thể sử dụng vị thế của mình để bù đắp sản lượng thấp hơn bằng việc tăng giá sản phẩm. Nếu duy trì được vị trí dẫn đầu về công nghệ, họ hoàn toàn có đủ khả năng để kiểm soát ảnh hưởng của biến động sản lượng đối với kết quả kinh doanh và lợi nhuận.

“Gã khổng lồ” chip Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất được khoảng 90% chip tiên tiến trên thế giới sử dụng cho AI cùng những ứng dụng điện toán lượng tử. Họ có thể tập trung vào sản xuất nhiều chip tiên tiến hơn thay vì chip công nghệ cũ, có biên lợi nhuận thấp, khi nguồn cung nước hạn chế.

Báo cáo của S&P chỉ ra mức tiêu thụ nước trong ngành công nghiệp bán dẫn đang trên đà tăng mỗi năm, do việc mở rộng công suất cũng như nhu cầu của công nghệ xử lý tiên tiến. Lượng nước mà họ tiêu thụ tương đương với Hồng Kông (Trung Quốc), nơi có dân số ở mức 7,5 triệu người.

"An ninh nguồn nước sẽ là yếu tố ngày càng quan trọng đối với hồ sơ tín dụng của những công ty bán dẫn. Xử lý sai tài nguyên nước có thể gây gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, làm tổn hại đến hiệu quả tài chính cũng như có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ khách hàng", chuyên gia Li nhận định.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thời tiết cực đoan, hạn hán và biến động mưa, hạn chế khả năng quản lý ổn định sản xuất của những công ty đúc chip.

(theo Vietnamnet)