Khu chợ bắt đầu hình thành từ khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Dân kinh doanh tại đây đã có một thời kỳ làm ăn phát đạt trong gần một thập kỷ qua nhờ vào việc buôn bán các đồ của binh lính Mỹ và đồng minh.
Với gần 630 cửa hàng lớn nhỏ đan xen trên những lối đi như một mê cung, chợ Bush còn được biết đến dưới cái tên địa phương là “Chợ ăn trộm”. Từ những đồ thực phẩm tiêu dùng như hộp đồ ăn nhanh, thực phẩm chức năng, áo sơ mi in biểu tượng quân đội Mỹ,… đến các đồ dùng phục vụ trong quân đội như giày ống, dao găm, túi xách, kính bảo hộ, áo chống đạn…sản xuất tại Mỹ đều có ở đây và được bán với giá hời. Thậm chí nhiều loại hàng hóa có tên tuổi và thương hiệu trên thị trường như giày hiệu Campells, quần áo North Face,…cũng xuất hiện nhan nhản tại các cửa hàng.
“Tôi thường xuyên đến khu chợ để tìm mua quần áo mới. Kiểu dáng thời thượng, giá lại rẻ. Khu chợ là một địa chỉ mua sắm tuyệt vời”, anh Ajmal, một người dân Afghanistan và là khách hàng trung thành ở đây cho biết.
Khi được hỏi về nguồn gốc của số hàng hóa này, nhiều người bán hàng thường đưa ra những lời giải thích mơ hồ đại loại như: “Chúng tôi không biết rõ nguồn gốc hàng hóa là từ đâu. Chúng tôi nhập về từ một đầu mối, và đầu mối này lại lấy hàng từ những nguồn khác”. Tuy nhiên, theo các thương gia lâu năm tại khu chợ tiết lộ, phần lớn hàng hóa trong chợ có được là nhờ việc bớt xén từ các doanh trại quân đội của Mỹ.
Một thương nhân giấu tên có thâm niên kinh doanh tại khu chợ cho biết: “Chúng tôi có những đầu mối cung cấp hàng hóa tin cậy, sành sỏi trong việc tuồn hàng hóa từ các doanh trại quân đội ra ngoài. Binh lính tại nhiều doanh trại chỉ kiểm tra các xe tải khi vào nhưng lại không kiểm tra lúc ra. Và nếu được đề nghị thực hiện các phi vụ hời, họ sẽ đồng ý cho chúng tôi lấy hàng để kiếm lời. Không chỉ những người Afghanistan mới quan tâm đến hàng hóa của chúng tôi mà rất nhiều khách hàng người nước ngoài cũng đến đây mua hàng. Công việc làm ăn của chúng tôi luôn bận rộn”.
Năm ngoái, khi có thông tin các thiết bị quân sự và nhiều loại vũ khí bị tuồn ra ngoài, lực lượng quân đội Nato và Afghanistan đã vào cuộc kiểm tra đột xuất khu chợ. Dù không tìm được bằng chứng về sự xuất hiện của các vũ khí quân sự tại khu chợ nhưng lực lượng quân đội đã thu được rất nhiều thiết bị phục vụ cho quân đội, ước tính lên tới 260.000 bảng Anh.
Tuy vậy, anh Jamshed Siddiqi, một thương gia tại đây lại khẳng định tất cả hàng hóa được bày bán tại cửa hàng của anh đều có nguồn gốc hợp pháp. “Các doanh trại thường bỏ đi rất nhiều đồ quá hạn sử dụng nhưng còn rất mới và chất lượng tốt. Chúng tôi chỉ tận dụng và bán lại cho những người cần đến chúng mà thôi”, anh nói.
Cuộc chiến tại Afghanistan kết thúc và các lực lượng quân đội quốc tế rời đi cũng là lúc những khu chợ như chợ Bush rơi vào cảnh lao đao vì thiếu hụt nguồn cung hàng hóa. Anh Mohammed Khan, 32 tuổi, một người buôn bán tại chợ Bush cho biết: “Việc làm ăn của tôi trông cả vào gian hàng tại khu chợ này. Nếu khu chợ đóng cửa, tôi không biết sẽ phải xoay sở thế nào trong thời gian tới.”
“Chúng tôi cũng không biết đến khi nào Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế sẽ rời Afghanistan. Việc kinh doanh của chúng tôi đã giảm gần 20%. Có thể nói chính ông Bush đã gián tiếp tạo nên khu chợ này, thông qua việc gửi binh lính đến đất nước chúng tôi. Những hàng hóa tại khu chợ đều có chất lượng tốt và khách hàng của chúng tôi đều hài lòng”, ông Jamshed chia sẻ.
Giang Ly (Theo Independent, Time)