Ảnh minh họa |
Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2011. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn tại doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường.
Đợi mô hình mới
Hiện VNPT đang sở hữu 100% vốn tại cả hai mạng di động lớn là VinaPhone và MobiFone. Trước những quy định mới, Tập đoàn này sẽ buộc phải tính toán đến 2 khả năng: cổ phần một trong hai mạng di động của mình và chấp nhận tỷ lệ sở hữu vốn như quy định, hoặc phải tính toán hợp nhất hai mạng.
Thực hiện Luật Viễn thông đang thực sự là một bài toán khó đối với những người cầm trịch VNPT. Bởi phương án hợp nhất MobiFone và VinaPhone chưa được đặt ra. Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa MobiFone đã được phê duyệt từ trước và đang "từ từ" thực hiện.
Nhưng nếu MobiFone cổ phần hoá, VNPT không được nắm giữ quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của MobiFone. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của VNPT. Bởi MobiFone hiện chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang là 50% lợi nhuận của cả tập đoàn. Kịch bản thoái sở hữu vốn xuống còn 20% thật khó lựa chọn, bởi làm sao có thể dễ dàng bỏ qua một nguồn "cơm áo, gạo, tiền" như vậy.
Đã gần 6 năm, tiến trình cổ phần hóa MobiFone - doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thí điểm cổ phần hóa, liên tục bị "treo". Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2011, những thông tin chỉ đạo từ Chính phủ và cấp bộ ngành cho thấy, khả năng cổ phần hóa MobiFone trong năm nay là khá rõ ràng. Tín hiệu mới nhất làm cho giới đầu tư có thể mong đợi mọi việc được đẩy nhanh là khẳng định hồi tháng 2 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp. Theo đó, MobiFone được yêu cầu phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần phần tái cơ cấu kinh tế nhà nước.
Đó là những lý do mà một số tổ chức đầu tư lớn đã đặt câu hỏi về khả năng MobiFone thực hiện một đợt chào bán cực lớn ra công chúng và đối tác chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 20%. Có điều là Nghị định vẫn cho phép các công ty con của tập đoàn này được quyền mua cổ phần của MobiFone. Vì thế, kế hoạch VNPT bán cổ phần thế nào vẫn phải chờ "hồi sau sẽ rõ".
Khối ngoại nóng lòng
Ai cũng biết "cửa" tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường viễn thông Việt Nam là có được cổ phần trong các nhà mạng hiện tại. Bởi thế, tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông trong nước thực sự đang thách thức lòng kiên nhẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Qua vài lần lỗi hẹn của MobiFone, trong Sách trắng 2011 được công bố mới đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tiếp tục kiến nghị Chính phủ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông bằng việc thông báo một lộ trình chắc chắn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một khung thời gian cụ thể nào cả. Đến tỷ lệ cổ phần tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được mua cũng còn là vấn đề phải tranh cãi. Bởi theo Cam kết gia nhập WTO đối với ngành viễn thông của Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu đến 49% cổ phần của doanh nghiệp có hạ tầng mạng và 65% đối với doanh nghiệp không có hạ tầng mạng.
Cách đây hơn 1 năm, trong một nghiên cứu về thị trường viễn thông Việt Nam, hãng Business Monitor International (BMI) của Anh cho rằng, mặc dù tiến trình cổ phần hóa chậm hơn mong đợi nhưng một số nhà đầu tư nước ngoài như Telenor (Bỉ), Vodafone (Anh), NTT DoCoMo (Nhật) và OFT (Pháp) vẫn đang kiên trì chờ đợi cơ hội đầu tư lâu dài. Song, nếu tiến trình này diễn ra quá chậm, thị trường sẽ dần tiến tới bão hòa và tiềm năng phát triển sẽ co hẹp lại. Khi đó, sức hấp dẫn của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ trở nên kém đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo mới nhất của BMI cho thấy tốc độ phát triển thuê bao di động chóng mặt lên hơn 150 triệu vào cuối 2010, tỉ lệ nghịch với đà giảm sút doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao của Việt Nam.
Theo Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS. Võ Trí Thành, cổ phần hóa viễn thông là tiến trình "không thể đảo ngược" vì với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trình độ công nghệ, quản lý và khả năng cạnh tranh sẽ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn đề là các doanh nghiệp sẵn sàng hay chưa.
Thùy Trang