📞

Chọn thầy hay chọn “nhà chiến lược”

14:50 | 18/01/2008
Sau cuộc chia tay với Alfred Riedl, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) lại bắt tay vào những cuộc tìm thầy, nhưng thực sự, việc tìm thầy vào lúc này có cần thiết hay không?

Mấy hôm nay, làng bóng rộ lên những thông tin đại loại như: Đã có 5 ông thầy ngoại lọt được vào “vòng chung kết” và VFF đang khoái một ông thầy người Đức vì cho rằng tinh thần thép của bóng đá Đức rất cần thiết trong việc tái thiết một ĐTVN uể oải sau SEA Games 24.

Từ chuyện tìm thầy hôm nay lại chợt nhớ đến chuyện tìm thầy ngày xưa. Bình tâm nhớ lại, mới thấy chúng ta đã kinh qua quá nhiều thầy ngoại rồi: Nào Weigang, nào Colin Murphy, nào Dido, nào Tavares… Vậy thì trong 10 năm sống cùng thầy ngoại, BĐVN thực đã được và mất những gì? Chúng ta có thành tích, cái thành tích tuy lúc trồi, lúc sụt! Nhưng nhìn chung 10 năm qua, BĐVN vẫn được xếp vào hạng mạnh ở một cái ao tù bé nhỏ.

Nhưng ngược lại, cái ao ấy và những giấc mơ thành tích ấy chỉ là “những giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. BĐVN trải qua mỗi đời thầy ngoại lại mang trên mình nó một phong cách, để rốt cuộc bây giờ nói tới ĐTVN người ta không thể biết lối chơi truyền thống của chúng ta là gì.

Thế nên bây giờ giả dụ có một ông thầy Đức thì ĐTVN sẽ mang phong cách Đức; Rồi sau đó, nếu có một thầy Brazil thì ĐTVN lại mang phong cách Brazil nữa chăng? Đã đến lúc phải thống nhất với nhau rằng trước khi tìm thầy chúng ta phải tìm ra BẢN NGÃ của mình trước đã. Và để tìm ra BẢN NGÃ và hoạch định một chiến lược dài hơi giúp cái BẢN NGÃ ấy ngày một sắc nét thì cái chúng ta cần không chỉ là một ông thầy, mà còn là một “nhà chiến lược”.

Trước đây, chúng ta cũng đã từng có một giám đốc kỹ thuật (GĐKT), một “nhà chiến lược” được đánh giá là có trình độ tốt, ấy là ông Rainer Willfeil. Nhưng hình như ngày ấy, VFF do không phải trả tiền cho vị này (lương ông Rainer do LĐBĐ Đức tài trợ) nên chỉ dùng ông ở vai trò của một Cameramen và… hết. Nếu có được một GĐKT mới, chắc chắn chúng ta phải giải quyết triệt để vấn nạn này.

Mới đây, nói chuyện cùng chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, người viết bài này được nghe rằng VFF đúng là đang có một kế hoạch tìm GĐKT. Hiện cũng có một vài doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ kinh phí để VFF trả lương cho vị GĐKT này. Đấy là một tín hiệu mừng, nhưng để “cụ thể hóa” cái mừng ấy thì tất nhiên, còn phải… chờ kiểm chứng.

Xin được nói lại, BĐVN thực sự đang cần một nhà chiến lược, thế nên VFF hãy cất công tìm một “chiến lược gia” có uy tín, thay vì cứ nhăm nhăm tìm một ông HLV trưởng làm việc kiểu mùa vụ như đang tìm và đã tìm trước kia.

Cầm Duy