TIN LIÊN QUAN | |
(Trực tuyến của Báo TG&VN): WEF ASEAN 2018 - Diễn đàn mở về Khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 | |
(Trực tuyến Tọa đàm của Báo TG&VN): Start up 4.0 - Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo |
TS. Nguyễn Minh Phong. |
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong đối với DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang trở thành một làn sóng ảnh hưởng tới hoạt động của DN hiện nay.
Ông nhận định như thế nào về ý nghĩa của WEF ASEAN 2018 với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”?
Đây là sáng kiến của Việt Nam, cũng là lần đầu tiên WEF được tổ chức ở nước ta, sự kiện thể hiện tinh thần chủ động của Việt Nam, đặc biệt ý nghĩa hơn trong bối cảnh từ 2 năm nay Chính phủ đã phát động tinh thần khởi nghiệp quốc gia và đón nhận bước đầu những thành quả của CMCN 4.0.
Như vậy, có thể khẳng định, ý nghĩa của chủ đề WEF ASEAN năm nay tăng gấp đôi, sự kết hợp giữa khởi nghiệp và CMCN 4.0 là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Khởi nghiệp, sáng tạo chính là việc phát huy những ngành nghề ứng dụng công nghệ mới, có nhiều triển vọng hoặc có nhiều rủi ro, phù hợp với những nước trẻ, những thế hệ trẻ với nền công nghiệp trẻ như Việt Nam.
Tuy nhiên, không chỉ họp một lần rồi xong, vấn đề ở chỗ kết quả của Hội nghị phải được đưa thành những chương trình hành động của WEF và các nước. Việt Nam cũng cần cụ thể hóa, kế hoạch hóa và đưa vào chương trình hành động của mình, từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhất là trong giới trẻ.
Ngoài ra, các DN và cơ quan quản lý nhà nước cũng phải hướng tới tinh thần này, phải tạo một sân chơi tiên phong cho các DN trẻ, cho những người khởi nghiệp trẻ, tạo thuận lợi cho họ từ khi học đến khi làm việc, kể cả những người đi làm trong các DN cũng cần được tạo điều kiện, chứ không chỉ những người khởi nghiệp.
Cuộc CMCN 4.0 mang lại những cơ hội và thách thức gì cho DN Việt Nam?
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thoát thai từ CMCN 3.0, là tổ hợp của cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước và thêm những tính chất mà 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước chưa có. Vì vậy, CMCN 4.0 rất đặc biệt và nó có hai mặt đối với nhiều nước, nhưng với Việt Nam thì rõ ràng hơn.
Một mặt, CMCN 4.0 cho phép Việt Nam khai thác được những cơ hội từ 2.0, 3.0 và tiếp tục có cơ hội nắm bắt những thành quả tiếp theo.
Mặt khác, CMCN 4.0 cho phép Việt Nam đi thẳng vào các ngành công nghệ cao mà Việt Nam có sở trường cũng như nhiều lợi thế tiềm năng, nhất là những ngành không cần sự kế thừa từ nước ngoài, không cần tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài vào để chuyển đổi, thay thế. Ví dụ như: công nghiệp tự động, trí tuệ nhân tạo, những nghề gắn với dịch vụ chất lượng cao, công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng có những hạn chế vì nó xóa đi những cơ hội cũ, nếu như chúng ta không biết khai thác, nắm bắt, nó sẽ tạo ra thách thức với những cơ hội mới. Hơn nữa, CMCN 4.0 đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được nền tảng công nghệ thông tin. Hiện tại, tất cả mọi thứ chúng ta đều phụ thuộc bên ngoài, từ internet, các máy chủ, các công nghệ nguồn... Việt Nam đều không có. Đây là thách thức thực sự.
Hơn nữa, DN muốn làm gì cũng cần phải có vốn, mà làm những thứ liên quan tới công nghệ cao lại cần rất nhiều vốn. DN cũng cần sự phối hợp để tạo thành chuỗi và sự vào cuộc của Chính phủ. Đây là những điểm mang tính nút thắt.
Vậy theo ông, doanh nghiệp nên làm thế nào để tháo gỡ những nút thắt đó và tận dụng được những thành quả của CMCN 4.0?
Với CMCN 4.0, DN phải hết sức chủ động, biết rõ mình có khả năng gì và nên làm gì; Có khả năng để phù hợp với những gì mình sẵn có, đỡ tốn kém đầu tư, còn làm cái gì để phù hợp với chuỗi, tạo thị trường tiêu thụ và đặc biệt là triển vọng tương lai.
Thứ hai, DN cần xác định lại cơ cấu, mô hình quản lý của mình, khi đã xác định được trọng điểm và hướng đầu tư lâu dài thì phải cấu trúc lại từ bên trong, cả về vốn, về cơ cấu quản lý, quản trị, công nghệ và đặc biệt là nâng quy chuẩn, gắn với chuẩn chuỗi quốc tế, bởi nếu một mình một tiêu chuẩn thì sẽ không kết nối được với ai.
Ngoài ra, DN cần phải có một kế hoạch vốn thông minh, vốn tự có rất quan trọng nhưng vốn khai thác an toàn cũng rất quan trọng.
Cuối cùng, việc xây dựng nhân lực chất lượng cao là quan trọng nhất cho DN, trong bối cảnh hiện nay, nhân lực là “nguồn vốn” lớn nhất và dễ kiếm nhất cho DN, cũng là “nguồn vốn” lâu dài, bền vững nhất nên việc tìm kiếm đội hình những người cùng đam mê, tạo điều kiện cho họ cùng “cháy” và cộng hưởng lại, đó là nghệ thuật của DN.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, bằng việc khai thác tinh thần khởi nghiệp, cơ hội và sự liên kết với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài… hy vọng DN sẽ có những bước đi phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
WEF ASEAN 2018: Tìm động lực phát triển cho nền kinh tế Tinh thần doanh nghiệp (DN) và Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ chính là bánh lái, là đôi cánh của nền kinh tế, cũng chính là ... |
Doanh nghiệp Nhật đang nhắm đến nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam Ngày 29/8, tại Hà Nội, Ngày Công nghệ Thông tin (CNTT) Nhật Bản 2018 (Japan ICT Day) đã chính thức khai mạc với chủ đề ... |
Tâm sự của một CEO về ASEAN và Cách mạng công nghiệp 4.0 “Hôm nay, tôi lại đang tiếp tục đấu tranh để định hướng phát triển ngân hàng của tôi và chính bản thân tôi trong một ... |