📞

Chống Covid-19, Quốc hội giao và ủy quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm soát đến mức nào?

Minh Khôi 21:02 | 25/07/2021
Ngày 25/7, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Quốc hội về tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống Covid-19 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp lần này.
Chiều 25/7, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Quốc hội về tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống Covid-19.

Ba yếu tố thành công

Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu tác động đến nước ta, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hiến định và luật định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đã thực hiện một số các giải pháp cấp bách và cần thiết để phòng chống dịch và đã đạt kết quả tốt được thế giới và trong nước đánh giá cao.

“Theo nhận thức của tôi, thành công này do ba yếu tố. Thứ nhất là dịch còn ít, ở quy mô nhỏ và virus giai đoạn đầu lây chậm hơn. Yếu tố thứ hai hết sức quan trọng là chúng ta có một hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Yếu tố thứ ba là nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ và tuyệt đối tuân thủ các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công cuộc này”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, hiện hai yếu tố sau vẫn giữ nguyên và vẫn đang được củng cố, nhưng yếu tố thứ nhất đã có sự thay đổi. Tình hình đang trở nên phức tạp, dịch bệnh lan nhanh, số người mắc và số bệnh nhân bị tử vong vì Covid-19 cũng tăng.

“Vì vậy, chúng ta phải có những thay đổi nhất định để đáp ứng với những thay đổi của, đặc biệt là của yếu tố thứ nhất. Chính vì vậy, cho nên Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét thông qua một nội dung của Nghị quyết về phòng chống dịch Covid-19 để đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội”, Bộ trưởng giải thích.

Hành vi pháp lý ở mức cao hơn

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, qua rà soát cho thấy nội dung các biện pháp và các quy định phòng, chống dịch bệnh nói chung về cơ bản đã có trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là ở trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, một số các quy định liên quan trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng, chống thảm họa, thiên tai,...

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Quốc hội về tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống Covid-19.

“Tuy nhiên, cần một hành vi pháp lý ở mức cao hơn của Quốc hội cho phép (Chính phủ) áp dụng các biện pháp này, như trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Một số biện pháp mới chưa có quy định cụ thể. Còn những biện pháp khác luật hiện hành thì dự thảo nghị quyết sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.

Đồng thời cũng cho phép Chính phủ, để đáp ứng kịp thời với tình hình phòng, chống dịch bệnh, được linh hoạt áp dụng các hình thức văn bản thuộc thẩm quyền, như nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng cho biết.

Về việc thực hiện nghị quyết và việc Quốc hội giao và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm soát đến mức nào, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu 3 ý:

Thứ nhất, phạm vi hẹp chỉ áp dụng trực tiếp trong phòng và chống Covid-19, trong đó bao gồm một số biện pháp hành chính, kiểm soát dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến mua và sản xuất vaccine, an sinh xã hội, một số vấn đề về tài chính, ngân sách và mua bán trang thiết bị, vật tư y tế.

Thứ hai, chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, nhất định - dự kiến chỉ đến ngày 31/12/2022 - và có cơ chế giám sát trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội và nhân dân.