📞

Chống gián điệp kinh tế ở Mỹ: Mất bò mới lo làm chuồng

14:36 | 18/08/2011
Ít ai biết được nước Mỹ đã từng bị mất lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực chiến lược quan trọng là công nghệ thông tin. Cũng ít người biết nguyên do đằng sau sự ra đời của Luật chống gián điệp kinh tế năm 1996 của Mỹ. Trung tâm chống tình báo quốc gia Mỹ đã thực hiện một đoạn băng tư liệu có tựa đề “Nghề nguy hiểm" dựa trên câu chuyện có thật về vụ gián điệp kinh tế ở Ellery Systems.
Ảnh minh họa

Chuyện xảy ra khi một nhân viên người Trung Quốc làm việc cho công ty Ellery System Inc. xin nghỉ việc rồi mang theo các mã nguồn phần mềm máy tính về nước. Các mã này trị giá 950.000 USD và có giá trị tiềm năng khoảng hàng chục tỷ USD nếu đem ra thị trường.

Hậu quả của vụ mất mát là Ellery System Inc bị loại khỏi lĩnh vực này và nhiều người mất việc. Công việc phức tạp và khó khăn trong hàng thập kỷ ngốn công sức của bao nhiêu người và hàng triệu USD đầu tư bị rơi vào tay nước ngoài. Về mặt kỹ thuật, người ta không thể nói các mã phần mềm bị đánh cắp, bởi trước tòa chẳng ai chứng minh được điều đó trừ phi FBI có thể bắt giữ, buộc tội sau khi thu thập được nhiều bằng chứng chứng minh. Vụ bắt giữ đã không xảy ra và người nhân viên của Ellery Systems được tự do vì lúc đó nước Mỹ không hề có một luật nào cho phép bắt giữ các gián điệp kinh tế.

Theo Robert Bryant, khi đó là người đứng đầu mảng an ninh quốc gia của FBI, việc thiếu các bộ luật về gián điệp kinh tế, gián điệp công nghiệp đã kìm hãm hàng trăm vụ điều tra của FBI liên quan tới nghiệp vụ tình báo của 23 quốc gia. Nhờ có tính chất đặc biệt của vụ Ellery System, khoảng trống trong luật pháp Mỹ được điều chỉnh, "điền đầy" bằng Luật chống gián điệp kinh tế.

Thực chất, Ellery Systems, một công ty ở Boulder, đi đầu trong việc xây dựng những xa lộ thông tin, cung cấp một đường nối giữa những công nghệ viễn thông chính và máy tính. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư để phát triển công nghệ của Ellery từ rất sớm để sử dụng cho nghiệp vụ gián điệp và các ứng dụng C3I. Ellery đang cung cấp phần mềm đặc biệt cho NASA và đang triển khai phát triển một thư viện các ứng dụng đột phá cho doanh nghiệp và các thị trường khác.

Một nhân viên người Trung Quốc, với kiến thức quản lý của Ellery khi đó đã xin phép trở về Trung Quốc để "thăm mẹ ốm". Trong những ngày này, nhân viên đó đã viết đơn nghỉ việc. Những ngày sau, mã nguồn phần mềm cho các sản phẩm của Ellery bị tải xuống qua Internet cho một người bạn khác của người này ở một công ty phát triển phần mềm ở Denver có các mối liên hệ với Trung Quốc. Đặc vụ FBI John Gedney đã thông báo với tòa án rằng vụ trộm mã nguồn phần mềm này là một hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Lật lại hồ sơ, người ta thấy một công dân của Trung Quốc đã ở tại Hoa Kỳ được 5 năm. Những người bạn Mỹ rất ngạc nhiên khi thấy anh này bị bắt. Họ cho rằng anh ta thích công việc ở Ellery Systems, đến nhà thờ, thưởng thức sự tự do một cách sung sướng đến nỗi anh ta còn muốn nhập quốc tịch Mỹ. Họ hoàn toàn không có lý do gì nghi ngờ về sự trung thực và nghiêm chỉnh của anh ta.

Theo Geoffrey Shaw, nguyên Tổng giám đốc điều hành Ellery System khi ra làm chứng trước tòa, người nhân viên và người bạn Trung Quốc đã nhận trách nhiệm đánh cắp mã nguồn của Ellery System. Họ thừa nhận đã gặp gỡ chính phủ và các viên chức từ Trung Quốc thành lập một công ty để sử dụng công nghệ lấy được từ Ellery sản xuất các ứng dụng và nhiều sản phẩm khác. Họ cũng đã chấp nhận một cuộc thương lượng cung cấp công nghệ cho một công ty Trung Quốc để nhận tiền. Họ đã chấp nhận loại bỏ các thông báo bản quyền và các nhận dạng khác cho thấy các mã nguồn phần mềm thực ra là tài sản của Ellery System. Và họ thú nhận đã nói dối khi được hỏi liệu họ có sở hữu bất kỳ tài sản nào của Ellery Systems không.

Thời điểm đó, tuy "sự thật mười mươi" nhưng người ta đã không thể bắt giữ người Trung Quốc này vì lúc đó không hề có đạo luật liên bang nào cho phép trực tiếp bắt giữ các gián điệp kinh tế hoặc bảo vệ các tài sản về thông tin kinh tế. Và đó là lý do vì sao sau đó lại ra đời Luật chống gián điệp kinh tế năm 1996.

Thành Châu