Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu (ngoài cùng bên phải) đến thăm núi Bental nằm trong vùng do nước này kiểm soát trên Cao nguyên Golan ngày 8/12. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Israel) |
Chiều 8/12, sau 11 ngày các tay súng đối lập ở Syria thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn tại nhiều khu vực và nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát, kết thúc giai đoạn cai trị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad thì cùng lúc đó, nhiều nơi ở miền Nam đất nước Trung Đông này bị Israel không kích.
Trong thời gian đó, Israel đã triển khai lực lượng tới vùng đệm phi quân sự - được thiết lập sau khi ký Thỏa thuận rút quân năm 1974 nhằm chấm dứt Chiến tranh Yom Kippur (1973) - ở phía Tây Nam Syria và một số khu vực mà Tel Aviv cho rằng “cần thiết vì lý do phòng vệ”.
Chớp thời cơ
Vào ngày 7/12, khi chiến sự ở Syria đang đến cao trào, Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar tuyên bố, nước này không can thiệp trong vào tình hình xung đột tại Syria, nhưng tỏ lo ngại về việc vi phạm thỏa thuận năm 1974 do Liên hợp quốc (LHQ) giám sát về việc ngừng bắn giữa hai nước.
Chính vì những lo ngại này, quân đội Israel đã bổ sung lực lượng bao gồm bộ binh và không quân, cùng với các mạng lưới tình báo và giám sát đến vùng đệm phi quân sự nhằm “tăng cường phòng thủ trong khu vực và sự chuẩn bị của các lực lượng cho những kịch bản khác nhau”.
Ngay sau khi chính quyền của Tổng thống al-Assad bị lật đổ vào ngày 8/12, Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào các địa điểm chiến lược ở Syria, trong đó có khu tổ hợp Kafr Sousa - nơi bị cáo buộc sử dụng để chế tạo tên lửa, quận Mazzeh ở Damascus và căn cứ không quân Khalkhala ở miền Nam Syria.
Tại tỉnh cực Nam Suweida, Israel đã tiến hành 6 cuộc không kích căn cứ không quân chính, được cho là nơi chứa tên lửa lớn của quân đội Syria.
Ngay trong ngày này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, thỏa thuận năm 1974 về vùng đệm phi quân sự giữa nước này với Syria đã không còn hiệu lực.
Ông lưu ý rằng, diễn biến ở Syria là cơ hội mới và rất quan trọng đối với Israel. Nhà lãnh đạo đã ra lệnh cho các lực lượng Israel tiến vào vùng đệm giữa hai nước và đóng tại các vị trí ngăn chặn các lực lượng khác chiếm giữ cả khu vực này. Ông nhấn mạnh sẽ không để bất cứ lực lượng thù địch xây dựng căn cứ gần biên giới nước này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết, theo quyết định đã được nội các thông qua, ông đã chỉ đạo Lực lượng phòng vệ Israel giành quyền kiểm soát vùng đệm và các vị trí quan trọng để bảo vệ tất cả các cộng đồng Israel trên Cao nguyên Golan.
Đến ngày 9/12, trong cuộc họp báo ở Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố, Cao nguyên Golan, bị Israel chiếm đóng trái phép suốt gần 60 năm, sẽ “mãi mãi” thuộc về quốc gia này.
Israel biện minh và lời nói của Mỹ
Bản đồ khu vực Cao nguyên Golan, bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. (Nguồn: Al Jazeera) |
Hãng tin Reuters ngày 9/12 đưa tin, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon đã khẳng định với Hội đồng Bảo an (HĐBA) rằng, Israel chỉ thực hiện “các biện pháp hạn chế và tạm thời” tại dải đất phi quân sự giáp ranh Syria để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt là đối với cư dân của Cao nguyên Golan.
Trong bức thư gửi HĐBA, ông Danon nhấn mạnh: “Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là Israel không can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa các nhóm vũ trang Syria; hành động của chúng tôi chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh của chúng tôi”.
Theo nhà ngoại giao, Israel vẫn cam kết chấp hành khuôn khổ Thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974.
Về phản ứng của Mỹ, khi được hỏi liệu có kêu gọi đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông rút quân hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Matthew Miller cho biết, thỏa thuận đạt được sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 “bao gồm việc Israel rút quân về vị trí trước đó”.
Ông lưu ý: “Israel đã tuyên bố những hành động này chỉ là tạm thời để bảo vệ biên giới của họ. Đây không phải là những hành động lâu dài và vì vậy, cuối cùng, viễn cảnh mà chúng tôi chờ đợi là sự ổn định lâu dài giữa Israel và Syria và điều đó có nghĩa là chúng tôi ủng hộ tất cả các bên duy trì thỏa thuận rút quân năm 1974”.
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra thời gian biểu cụ thể, viện dẫn tình hình đang thay đổi nhanh chóng trên thực địa ở Syria.
Quốc tế phản đối
Phần lớn, Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng kể từ năm 1967 và sau đó, đơn phương sáp nhập vùng lãnh thổ này - động thái vốn không được hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận.
Năm 1974, một vùng đệm đã được thành lập để ngăn cách các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Israel với Syria theo thỏa thuận rút quân. Ngay sau đó, Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) đã được triển khai tới vùng đệm này.
Trước những động thái công khai của Israel hiện nay, ngày 9/12, Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak tuyên bố, quốc gia láng giềng này phải rút quân khỏi đất nước của ông.
Theo ông, Israel phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận năm 1974, theo đó, chỉ có lực lượng LHQ mới được đồn trú tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan.
Ngày 9/12, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cũng ra tuyên bố cho biết, việc quân đội Israel di chuyển vào vùng đệm ở rìa Cao nguyên Golan và hiện diện ở ít nhất 3 điểm đã “cấu thành hành vi vi phạm” thỏa thuận năm 1974.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định, động thái của Israel cấu thành "sự chiếm đóng đất đai của Syria và vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này", đồng thời vi phạm thỏa thuận năm 1974.
Ai Cập kêu gọi HĐBA LHQ và các lực lượng quốc tế có lập trường cứng rắn chống lại các cuộc tấn công của Israel vào Syria để đảm bảo chủ quyền của nước này đối với tất cả các lãnh thổ của mình.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Iraq cũng ra tuyên bố lên án động thái Israel chiếm vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan và các vị trí lân cận khác ở vùng giáp ranh với Syria, cho rằng “hành động này vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các nghị quyết quốc tế hợp pháp có liên quan”.
Iraq nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của Syria và bảo vệ sự ổn định, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như cần phải kiềm chế can thiệp vào những vấn đề nội bộ của đất nước láng giềng này.
Iraq cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là HĐBA LHQ thực thi các biện pháp chấm dứt những hành vi vi phạm như vậy.