Trong những năm qua, DN xuất khẩu VN nhiều lần đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của các DN nước ngoài. Trong đó nhiều vụ gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.
Và không loại trừ khả năng, phía nước ngoài có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá, bán hàng hóa được trợ cấp hoặc lợi dụng thời cơ ồ ạt tràn vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước.
Vì vậy, để bảo vệ chính mình, các cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế cùng các hiệp hội ngành hàng, DN cần có đầy đủ thông tin về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành mình, từ đó có bước chuẩn bị để chủ động phòng vệ thương mại khi cần thiết.
“Bởi hiện nay, hiểu biết về quyền sử dụng, thủ tục, kỹ năng, công cụ... liên quan về lĩnh vực này ở VN vẫn còn hạn chế” - bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhận xét.
Tại một cuộc hội thảo mới đây do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương phối hợp cùng dự án Mutrap III tổ chức bàn về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Vũ Bá Phú lưu ý các DN: “Khi nhận thấy hàng nhập khẩu vào nước ta có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, DN nên liên hệ với Cơ quan Chống bán phá giá (Bộ Công Thương) để yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Theo Người lao động