📞

Chủ động tìm lối ra cho nông nghiệp Việt

13:24 | 23/10/2016
Để có thể làm chủ được cả đầu vào và đầu ra trong nông nghiệp, Việt Nam cần chủ động vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực Việt Nam có khả năng làm chủ cả đầu vào và đầu ra. Điều quan trọng là làm cách nào hạn chế xuất khẩu thô mà thay vào đó chú trọng tới sản phẩm đã qua chế biến.

Ngành công nghiệp từng​ vang bóng

Những thế hệ đi trước đều không khỏi nuối tiếc khi có ai đó nhắc đến những cái tên, nhà máy, xí nghiệp vang bóng một thời như: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy đường Hòa Bình.

Chế biến dứa tươi xuất khẩu. (Nguồn: VCCI)

Sự tiếc nuối này là bởi những tên gọi thân quen trên từng gắn bó thời gian dài cùng đất nước vượt khó trong thời kỳ đầu xây dựng lại nước nhà. Theo đó, đây cũng là nhà máy gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ.

Một thời, Dệt Nam Định được xếp vào diện nhà máy lớn nhất Đông Dương. Còn Nhà máy đường Hòa Bình được coi là cơ sở sản xuất, phân phối chính thức các sản phẩm đường trong khu vực Tây Bắc. Nhà máy cơ khí Hà Nội làm nòng cốt cho ngành chế tạo máy công cụ cung cấp cho toàn bộ ngành công nghiệp trong nền kinh tế. Lịch sử chứng minh, nông nghiệp – công nghiệp phụ trợ lúc bấy giờ như hai sợi dây gắn kết không thể tách rời. Nếu thiếu một trong hai sợi dây đó, nông nghiệp Việt Nam khó đủ lực cạnh tranh với nước ngoài.

Mất dần sức cạnh tranh

Thực tế cho thấy, khi ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đi xuống thì nền nông nghiệp theo đó cũng mất dần sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài cùng với việc chỉ xuất thô khiến giá trị xuất khẩu của sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đạt mức thấp.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, một thời gian dài tốc độ tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam ấn tượng so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2000–2012, giá trị gia tăng nông nghiệp Việt Nam tăng trung bình 3,75%/năm, cao hơn hầu hết các nước châu Á khác, trừ Trung Quốc, Mông Cổ và Campuchia.

Một hội thi trái cây ngon tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: VBN)

Tuy nhiên, thực tế, ngành nông nghiệp đang bộc lộ những hạn chế. Đó là sản xuất lúa hiện khá manh mún và có sự khác biệt rõ giữa tự cung tự cấp và sản xuất lúa hàng hóa. Kể từ năm 2000, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã chiếm 2/3 tăng trưởng sản lượng lúa toàn quốc, tập trung tại 20 huyện “vựa lúa”. Ngành chăn nuôi tuy đã bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu theo hướng tập trung hàng hóa nhưng vẫn mô hình nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn. Quá trình tập trung hóa tương tự cũng diễn ra trong ngành thủy sản nhất là sản xuất cá tra. Ngành này cũng đang chịu nhiều hệ lụy do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường và tác động khác.

Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 9 tháng năm 2016 cho thấy rõ điều này. Đó là đầu năm xảy ra rét buốt bất thường, nắng hạn sớm và gay gắt, xâm nhập mặn, mưa bão gây nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp cả 3 miền. Bên cạnh đó, giá vật tư phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không ổn định có xu hướng tăng nên nhìn chung kết quả sản xuất nông nghiệp đạt thấp. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước tính đạt 594.000 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.

Thời điểm để thay đổi

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm Việt Nam phải tạo được bước chuyển mới trong nền nông nghiệp, không thể cứ làm theo cách cũ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chi Lan cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đã vượt ra khỏi ngưỡng nghèo và cần bắt đầu tính tới con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Cụ thể, để hiện thực hóa mục tiêu tăng giá trị, giảm đầu vào cho ngành nông nghiệp, phải xác định được vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp trong phát triển ngành nông nghiệp.

Theo bà Lan, điểm nghẽn trong phát triển nông nghiệp Việt Nam chính là đất đai còn manh mún, chưa tạo điều kiện trong cơ giới hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư cho nông nghiệp thời gian qua vẫn còn ở mức khiêm tốn, quá ít so với đầu tư của các nguồn lực khác. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.

Rau chất lượng cao trồng tại Khu Nông nghiệp cao TP. HCM (Nguồn: TNO)

Báo cáo của WB chỉ rõ, một số quy định hiện nay như hạn chế đất trồng cây hàng năm dưới 3ha (hiện Luật Đất đai mới cho phép sử dụng một số ngoại lệ), hoặc chính sách dành đất canh tác tốt nhất để trồng lúa đang hạn chế tiềm năng thương mại của đất trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư khác.

Đề cập dưới góc độ khác, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, Việt Nam mới phát triển nông nghiệp một cách thuần túy hay nói cách khác là thuần nông. Trong khi đó, chưa phát triển khu vực dịch vụ cho nông nghiệp nên điều kiện phát triển cho nông nghiệp chất lượng cao khó trở thành hiện thực. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi tới đây, Việt Nam nên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ đi kèm để tạo ra sản phẩm hàng hóa mang giá trị cao như công nghiệp bao bì, công nghiệp cơ khí, công nghiệp bảo hộ, công nghiệp phân bón thân thiện môi trường…

Ngoài ra, để ngành nông nghiệp thực sự thay đổi, nhà nước nên tăng khả năng kiến tạo, phục vụ trong lĩnh vực này. Cụ thể, Nhà nước ở đây có 4 cấp: Chính phủ, huyện, tỉnh, xã thì cần quan tâm nâng cao năng lực cấp làm việc trực tiếp với nông dân ở đây là cấp xã. Bởi đây sẽ là cầu nối chính sách tới thực tiễn cũng như gần nhất trong phổ biến kỹ thuật sản xuất. Vai trò của Hiệp hội, tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp cũng cần được nâng cao để hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho nông dân.

Chú trọng nhân tố con người

Nói về tương lai của ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, công nghiệp chế biến cần được chú trọng thời gian tới. Bởi việc xuất thô sản phẩm của Việt Nam khiến giá trị hàng hóa nông nghiệp ngày càng giảm và Việt Nam chỉ là địa chỉ sản xuất thô phục vụ các nước.

Vì vậy, lao động trong nông nghiệp là yếu tố quan trọng để quyết định thành công của hướng đi này. Theo đó, Việt Nam nên tính tới việc đào tạo lao động thông qua hình thức gửi thực tập sinh tới doanh nghiệp để được tham gia vào xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp cao. Ngoài ra, cũng cần tính tới việc đào tạo theo nhu cầu việc làm của ngành nghề và địa phương.

Mô hình trồng dưa vàng kim hoàng hậu ứng dụng công nghệ cao ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Ông Nguyễn Xuân Định, đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đào tạo cho nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới nền nông nghiệp. Theo đó, người nông dân được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng chính sách đồng thời được kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đưa chủ trương đó vào cuộc sống.

Đóng góp ý kiến cho sự chuyển đổi ngành nông nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xét đến là một trong ba nhóm động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh thiên tai, ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn thời gian qua diễn ra rất nghiêm trọng thì tái cơ cấu khu vực này sẽ là điều kiện cần để tăng trưởng xuất khẩu, tạo động lực phát triển nền kinh tế.