Giá xăng dầu thế giới tăng cao đã làm cho giá mặt hàng này trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước. |
Năm 2022, hầu hết các nền kinh tế thế giới đang đối diện với sự hội tụ đồng thời theo các mức độ khác nhau với cả bốn loại áp lực lạm phát (về lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập). Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung và việc kìm giữ lạm phát theo mục tiêu 4% năm 2022 đã đề ra trong nửa cuối năm 2022 là rất thách thức.
Trong sáu tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng cao đã làm cho giá mặt hàng này trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 1,87 điểm phần trăm.
Kỳ vọng mới
Giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian qua được dư luận đồng thuận và đem lại nhiều kỳ vọng mới đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; đồng thời, thể hiện nỗ lực đồng hành và xử lý khẩn trương, quyết đoán và trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội và Chính phủ, nhất là trong giảm mức thuế bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong đời sống kinh tế-xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, khi giá xăng dầu tăng thì thường giá cước vận tải và các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng nhanh và mạnh; kéo chỉ số CPI cũng tăng nhanh cùng chiều với tốc độ và quy mô tăng giá xăng dầu. Điều này là do các doanh nghiệp và người bán thường chủ động điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ theo mức trượt giá xăng dầu. Đến lượt mình, nhiều mặt hàng khác cũng bị tăng giá để duy trì lợi nhuận cận biên tương ứng, đồng thời thu thêm lợi nhuận cơ hội…
Ngược lại, việc giảm giá xăng dầu trong khi giúp trực tiếp giảm giá vận tải và các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn chặt với tiêu thụ xăng dầu, như đánh cá và phát điện…, song chưa chắc ngay lập tức kéo giá lương thực thực phẩm khác giảm ngay.
Trên thực tế, giá thịt lợn hơi bán ra tại các hộ chăn nuôi, trang trại trong tháng 7/2022 lại có đà tăng mạnh ngược với xu hướng giảm giá xăng dầu. Nhiều địa phương, giá heo hơi đã chạm và vượt mốc 70.000 đồng/kg. Độ trễ giảm giá các hàng hóa, dịch vụ một phần do cơ cấu chi phí sản xuất của các hàng hóa dịch vụ không giống nhau; một phần khác là do doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cần có thời gian điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương; do sự chi phối của ý thức, lợi ích chủ quan và trách nhiệm xã hội từ người bán và các hộ sản xuất, cung ứng dịch vụ, hàng hóa gắn với xăng dầu; do sự thiếu vắng cơ chế quản lý nhà nước phù hợp và sự chưa hoàn thiện của cơ chế cạnh tranh thị trường…
Tất cả khiến giá bán hàng hóa và dịch vụ thường tăng nhanh bám sát động thái tăng giá xăng dầu, trong khi lại bị trì trệ trong giảm giá bán những mặt hàng này không tương xứng với đà giảm giá xăng dầu để cố thu thêm lợi nhuận cơ hội cá biệt…
Đảm bảo an ninh năng lượng
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là yếu tố chi phí đầu vào quan trọng của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định trật tự xã hội.
Mỗi khi xăng dầu tăng giá đều trực tiếp hay gián tiếp làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và các hàng hóa, dịch vụ cung ứng trên thị trường. Những chi phí này được tự động chuyển vào và làm tăng giá thành sản xuất, từ đó kéo theo làm tăng giá bán lẻ hàng hóa dịch vụ cung ứng ra thị trường… Tất cả sẽ làm nâng mặt bằng giá xã hội, tức làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy của nền kinh tế.
Ngoài ra, việc tăng giá xăng dầu cũng có nghĩa làm tăng chi phí tiêu dùng của người dân cho hoạt động vận tải, đi lại cá nhân, tức thu hẹp lượng cầu tiêu dùng cho các hàng hóa dịch vụ xã hội khác, từ đó làm giảm tổng cầu có khả năng thanh toán của xã hội. Điều này trực tiếp thu hẹp tiêu dùng, quy mô thị trường trong nước, kiềm chế tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, nếu kéo dài ở quy mô lớn, có thể dẫn đến tình trạng lạm phát đình trệ, kéo theo các áp lực bảo đảm an sinh xã hội và gây tổn hại uy tín chính phủ, sự đồng thuận và trật tự, ổn định xã hội cả cấp vi mô và vi mô, trước mắt và trung hạn…
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là yếu tố chi phí đầu vào quan trọng của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định trật tự xã hội. |
Bởi vậy, việc giảm giá mặt hàng xăng dầu sẽ trực tiếp giúp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp vận tải và giảm giá chi phí vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp; góp phần giảm áp lực lạm phát chi phí đẩy và giảm kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế, mở rộng tổng cầu chi tiêu ngoài xăng dầu, tạo thêm việc làm, nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động, từ đó giúp tăng sự ổn định vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Để giảm áp lực tiêu cực của tăng giá xăng dầu, giúp các doanh nghiệp chủ động tính toán chi phí sản xuất kinh doanh, giảm thiểu áp lực chi tiêu xăng dầu trong cơ cấu tiêu dùng của người dân và giúp không tạo sốc tăng lạm phát chi phí đẩy, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần chủ động dự báo và xác định ngưỡng giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu trong nước không vượt ngưỡng này và hướng tới lạm phát mục tiêu trong kỳ kế hoạch.
Đồng thời, chủ động và đa dạng hóa các kênh khai thác, nhập khẩu xăng dầu giá rẻ; linh hoạt trong sử dụng các công cụ giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; Tính toán lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các đối tượng sử dụng xăng dầu; Khuyến khích tăng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo và nguồn năng lượng giá rẻ khác thay thế xăng dầu; Nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn;
Thêm vào đó, khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh và thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý; Thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, lạm phát kỳ vọng và lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra cho nền kinh tế.