📞

Chủ nghĩa khủng bố bước vào "giai đoạn mới"

14:19 | 07/12/2015
Tối 6/12, trong bài diễn văn hiếm hoi được truyền hình trực tiếp từ phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước Mỹ sẽ vượt qua mối đe dọa khủng bố mới đang "đầu độc tâm trí" người dân trong và ngoài nước.
Tổng thống Obama và Giám đốc FBI James Comey bàn thảo ngay trước bài phát biểu tại Phòng Bầu dục. (Nguồn: AP)

Động thái nhằm trấn an người Mỹ này cũng được đưa ra sau vụ nổ súng hàng loạt gây thương vong đẫm máu tại California hồi tuần trước.

Hãng tin CBC (Mỹ) dẫn lời ông Obama: “Mối đe dọa khủng bố đã tiến sang một giai đoạn mới. Khi chúng ta ngăn chặn tốt hơn các cuộc tấn công phức tạp, đa chiều như sự kiện 11/9, những kẻ khủng bố lại chuyển sang các hành vi bạo lực khác như bắn giết hàng loạt từng trở nên quá phổ biến trong xã hội Mỹ”.

Ông đưa ra dẫn chứng về các vụ bắn giết hàng loạt trong năm 2009 tại căn cứ quân sự Mỹ ở Fort Hood, Texas và cuộc tấn công khác vào tháng Bảy vừa qua, tại cơ sở quân sự ở Chattanooga, Tennessee.

Nhưng Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố: "Tôi biết rằng, sau rất nhiều cuộc chiến tranh, nhiều người Mỹ đang tự hỏi liệu có phải chúng ta đang phải đối mặt với một dạng “ung thư” không có thuốc chữa? Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là có thật, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua nó”.

Trong bài phát biểu 13 phút của mình, Tổng thống Obama cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy, đây là hành động được đạo diễn bởi mạng lưới khủng bố nước ngoài hay là một phần của một âm mưu lớn hơn đằng sau.

Tuy nhiên, ông kêu gọi việc xem xét lại các chương trình miễn thị thực cho những người muốn đến Mỹ và nói rằng, ông sẽ hối thúc các công ty tư nhân và các nhà lãnh đạo cùng làm việc để đảm bảo những kẻ tấn công nước Mỹ không thể sử dụng công nghệ tránh bị phát hiện.

Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại việc thắt chặt luật kiểm soát súng ở nước này và nói rằng, cho dù công tác thực thi pháp luật và tình báo của Washington có hiệu quả như thế nào, họ vẫn không thể phát hiện được nguy cơ diễn ra mọi cuộc nổ. Ông gọi việc ngăn chặn những kẻ giết người tiềm năng sở hữu súng là vấn đề an ninh quốc gia. "Những gì chúng tôi có thể làm và phải làm, là làm cho những kẻ (giết người) đó khó có thể đạt được mục đích”, ông nói.

Tổng thống cũng kêu gọi người Mỹ không quay sang chống lại người Hồi giáo trong nước bởi IS đang mong muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giữa phương Tây và Hồi giáo. Đồng thời, ông cũng kêu gọi người Hồi giáo ở Mỹ và trên khắp thế giới tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan.

Bài phát biểu này của ông Obama được đưa ra sau sự kiện nổ súng hôm thứ Tư (28/11) tại San Bernardino, California (Mỹ) đã khiến 14 người chết và 21 người bị thương. Theo nhà chức trácht, hung thủ là một cặp vợ chồng, trong đó người vợ đã công khai cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trên trang mạng xã hội Facebook.

Ngày 5/12, Thời báo New York (NYT) dẫn lời Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói rằng, những phần tử cực đoan đã “được tác động từ bên ngoài để tấn công đất nước chúng tôi và điều này rõ ràng có thể xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở những nơi khác. Theo tôi, chúng ta cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho vấn đề này”.

Ít khả năng Mỹ đưa bộ binh chống IS?

Ngoài lời kêu gọi Quốc hội Mỹ chấp thuận đạo luật không cho những người trong "danh sách cấm bay" mua súng, Tổng thống Obama cũng mong muốn Đồi Capitol thông qua các hành động quân sự mới của Washington nhằm chống lại IS ở Iraq và Syria.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, hoạt động của IS chủ yếu tập trung ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này đã nhắm đến những nơi khác trên thế giới, tung ra các cuộc tấn công ở Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bắn rơi một máy bay Nga ở Ai Cập. Các cuộc tấn công ngày 13/11, tại Paris (Pháp) đã đánh dấu hành động hiếu chiến nhất của tổ chức cực đoan này tại châu Âu.

Tuy nhiên, ông Obama vẫn lặp lại sự phản đối bấy lâu của mình trước việc tiến hành một cuộc chiến trên bộ do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông và không đề cập đến những hành động quyết liệt hơn đã được đề xuất, trong đó là việc thực thi một vùng cấm bay và hành lang an toàn ở Syria.

Bài phát biểu của ông Obama có vẻ không khiến những người chỉ trích ông hài lòng khi không đề cập đến thay đổi đáng kể gì trong chiến lược cũng như chính sách mới để đánh bại IS.

Những người phê bình Tổng thống Mỹ, ngày càng đông đảo với các thành viên trong đảng của ông Obama, đã đặt câu hỏi về chiến lược chống IS của Phòng Bầu dục. Về bài phát biểu của ông Obama, Hillary Clinton - cựu Ngoại trưởng của Tổng thống Obama và cũng là người đang chạy đua trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ - cho rằng, Mỹ đang "không thắng thế" trong cuộc chiến chống IS.

Bài phát biểu được thực hiện tại Phòng Bầu dục và được truyền hình trực tiếp – một cách thức mà Tổng thống Obama hiếm khi sử dụng. Ông chỉ phát biểu từ Phòng Bầu dục 2 lần, lần đầu tiên vào năm 2010 - khi ông công bố kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq.

Minh Tuấn (tổng hợp)