📞

“Chủ nghĩa khủng bố không còn là thế giới của đàn ông ở Indonesia”

18:14 | 14/01/2017
Chaula Rininta Anindya - Trợ lý nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã viết về thế giới khủng bố của “phái yếu” ở Indonesia. Báo TG&VN xin trích giới thiệu bài viết này.

Vai trò của phụ nữ trong mạng lưới khủng bố ở Indonesia cho đến nay được quyết định bởi quan hệ họ hàng thông qua hôn nhân nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hậu cần và tài chính cho các hành động khủng bố.

Tuy nhiên, xu hướng phụ nữ tham gia trực tiếp vào vai trò tổ chức và thực hiện khủng bố ngày càng tăng. Biệt đội 88, Đơn vị cảnh sát chống khủng bố của Indonesia, gần đây đã bắt giữ 3 phụ nữ bị cáo buộc tham gia âm mưu đánh bom Dinh Tổng thống Indonesia. Những người phụ nữ này gồm Dian Yuli Novi, Arida Putri Maharani và Tutin Sugiarti thuộc mạng lưới khủng bố đặt tại Solo theo sự điều phối của Bahrun Naim, tên khủng bố khét tiếng bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công tại thủ đô Jakarta năm 2016. Vài ngày sau, Biệt đội 88 bắt tiếp một phụ nữ khác tên là Ika Puspitasari tại một nhà thờ Hồi giáo gần thị trấn Purworejo, miền Trung Java.

Novi và Maharani là vợ của Muhammad Nur Solikhin, nhân vật được cho là thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố trên. Novi chịu trách nhiệm lên kế hoạch đánh bom tự sát tại Dinh Tổng thống, còn Maharani được giao nhiệm vụ chuẩn bị kinh phí và thực hiện cuộc tấn công khủng bố này. Sugiarti đóng vai trò quan trọng trong việc cực đoan hóa Novi dù biết rằng Novi là vợ của trùm khủng bố Solikhin. Người phụ nữ cuối cùng, Puspitasari, bị cáo buộc chuẩn bị tiến hành vụ đánh bom tự sát tại Bali ngay trước thềm năm mới.

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia trực tiếp vào vai trò tổ chức và thực hiện khủng bố. (Nguồn: inpublicsafety)

Trong tổ chức khủng bố khét tiếng nhất ở Indonesia - Jemaah Islamiyah (JI), phụ nữ trước đây chỉ tham gia với vai trò trung gian, tăng cường các mối quan hệ và nuôi dưỡng các chiến binh thánh chiến trong tương lai nhằm mở rộng lực lượng cho JI. Tổ chức JI cũng dựa vào phụ nữ để gây quỹ cho cuộc thánh chiến bạo lực. Ví dụ, Noralwizah Lee Binti Abdullah, một phụ nữ Trung Quốc gốc Sabah (Indonesia), vợ của Hambali (cựu chỉ huy chiến dịch của JI), được cho là kế toán trưởng của JI.

Hồi giáo cổ điển không ủng hộ phụ nữ tham gia vai trò chiến đấu. Tuy nhiên, với sự phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vai trò của phụ nữ trong các hành động khủng bố bạo lực đang có dấu hiệu bùng phát. Với mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo bằng mọi giá, IS đã mở rộng loại hình khủng bố, nâng vai trò của phụ nữ trong tổ chức lên mức độ lớn hơn để có thể tham gia trong các nhiệm vụ đánh bom tự sát và bạo lực vũ trang. IS đã thành lập Lữ đoàn Al-Khansaa, đơn vị toàn phụ nữ tuần tra xung quanh các thành phố như Raqqa và Mosul để thực thi các giá trị Hồi giáo cực đoan của IS. Phụ nữ của IS cũng đã chiến đấu trên các mặt trận ở Libya.

Vai trò chiến đấu và lập kế hoạch của phụ nữ trong các mạng lưới khủng bố ở Indonesia cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của các đồng minh IS ở khu vực Đông Nam Á. Nhóm khủng bố Mujahidin Đông Indonesia (MIT) cam kết trung thành với IS đã tiến hành đào tạo sử dụng vũ khí cho phụ nữ bao gồm cả vợ của trùm khủng bố MIT. Do đó, nhiều khả năng sẽ có nhiều phụ nữ tham gia trực tiếp vào các hoạt động khủng bố trong tương lai.

Với việc sử dụng phụ nữ đánh bom tự sát, các mạng lưới khủng bố sẽ có được lợi thế về chiến thuật và chiến lược. Thông thường, phụ nữ ít bị nghi ngờ khi thực hiện các hành vi bạo lực hoặc hành động khủng bố và do đó, họ có thể dễ dàng tránh bị phát hiện. Phụ nữ cũng có thể che giấu tốt hơn vũ khí hay các thiết bị nổ bên dưới quần áo của họ. Đây là vấn đề nan giải đối với các trạm kiểm soát hải quan, an ninh - nơi mà số lượng cán bộ nữ hạn chế để có thể tiến hành kiểm kỹ bên trong những người phụ nữ tình nghi mang theo bom và các loại vũ khí nhằm thực hiện các hành động tấn công khủng bố.

Việc tuyển dụng phụ nữ rõ ràng làm tăng số lượng quân tham chiến trong các mạng lưới khủng bố. Tuy nhiên, điều này cũng có thể chỉ ra rằng nhóm khủng bố đang thiếu nam giới và tuyệt vọng để có thêm tân binh.

Ý tưởng sử dụng phụ nữ đánh bom tự sát thường nhạy cảm và có thể kích hoạt các phản ứng thái quá hoặc cường điệu hóa. Việc chính phủ và công chúng phản ứng thái quá là điều mà các nhóm khủng bố muốn khai thác. Các cơ quan chống khủng bố của Indonesia cần phải chú ý nhiều hơn đến vai trò ngày càng thay đổi của phụ nữ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Indonesia để xác định những phương pháp tốt nhất ngăn chặn xu hướng này.

 

 

(theo East Asia Forum)