📞

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ: Cải tổ Hội đồng Bảo an vừa 'nóng' vừa 'bắt buộc', ủng hộ Ấn Độ có ghế thường trực

Bảo Minh 09:15 | 30/01/2023
Ngày 29/1, trước thềm chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 30/1-1/2 theo lời mời của Ngoại trưởng nước chủ nhà S. Jaishankar, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Csaba Korosi đã trả lời phóng viên về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an (HĐBA).
Hội đồng Bảo an hiện có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo ông Korosi, việc cải tổ HĐBA là một “bài học rất nghiêm túc” cho tương lai khi nói về cách cải thiện hoạt động của các tổ chức toàn cầu.

Ông Korosi nêu rõ, HĐBA được thành lập sau Thế chiến II để duy trì “hòa bình, an ninh quốc tế cũng như ngăn chặn chiến tranh" và các thành viên của cơ quan này từ đó đến nay phản ánh “kết quả của Thế chiến II".

Trong lịch sử 77 năm của LHQ, cơ cấu của HĐBA chỉ được thay đổi một lần - vào năm 1963 khi Đại hội đồng quyết định mở rộng HĐBA từ 11 lên 15 thành viên, với việc bổ sung 4 ghế không thường trực.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhận định: "Kể từ đó, thế giới đã thay đổi. Các mối quan hệ địa chính trị trên thế giới đã thay đổi, trách nhiệm kinh tế trên thế giới của một số quốc gia, bao gồm cả ở Ấn Độ cũng như một số quốc gia đang phát triển rất mạnh khác, thực sự đã thay đổi".

Theo ông Korosi, thành phần của HĐBA "không phản ánh thực tế ngày nay, đó là chưa kể cả một lục địa châu Phi với hơn 50 quốc gia không có ghế ủy viên thương trực nào”, vì vậy, vấn đề cải tổ cơ quan này của LHQ hiện nay vừa “nóng” vừa “bắt buộc".

Bên cạnh đó, ông Korosi đánh giá, Ấn Độ đã đi đầu trong những nỗ lực kéo dài nhiều năm để cải cách HĐBA và họ xứng đáng có được một ghế thành viên thường trực của cơ quan này.

(theo PTI)