📞

Chủ tịch EuroCham: EVFTA là sợi dây liên kết bền chặt Việt Nam-EU

Linh Chi 19:00 | 17/08/2023
Trao đổi với TG&VN, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit khẳng định, EVFTA đã và đang là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit. (Ảnh: NVCC)

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của EVFTA sau ba năm?

Ngày 1/8/2023 là cột mốc quan trọng, tròn ba năm kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. FTA này đã và đang là “sợi dây” liên kết bền chặt, mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả hai bên.

Kể từ tháng 8/2020, EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng thương mại giữa hai bên, bất chấp đại dịch Covid-19. Trong ba năm qua, thương mại song phương liên tục mở rộng, mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể.

Từ tháng 8/2020 đến tháng 6/2023, tổng giá trị thương mại theo hiệp định này đã đạt gần 130 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều ở mức 66,8 tỷ USD.

EU chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau như máy móc, ô tô, dược phẩm, hóa chất và hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông sản, thủy sản cũng tăng trưởng ấn tượng tại thị trường khối 27 thành viên.

Theo số liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), hàng hóa Việt Nam hiện chiếm 1,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, vượt qua các nước trong khu vực như Malaysia (1,2%), Thái Lan (0,9%), Indonesia (0,7%) và Singapore (0,7%).

Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nhưng chúng tôi nhận thấy, EVFTA có thể làm được nhiều hơn thế và vẫn còn những tiềm năng chưa được khai thác hết.

Trong bối cảnh việc cắt giảm thuế quan EVFTA đang diễn ra và tiếp tục thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên; chúng ta cần giải quyết hết các rào cản (về thương mại kỹ thuật và thuế tiêu thụ đặc biệt) để khai thác triệt để hiệp định lịch sử này.

Theo kết quả Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2023 của EuroCham, một nửa số doanh nghiệp trong khảo sát được hưởng lợi từ EVFTA. Trong số đó, 35% doanh nghiệp thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan. Vậy doanh nghiệp châu Âu tận dụng được những lợi thế nào khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam?

Nhờ EVFTA, doanh nghiệp hai bên đã thu được những lợi thế đáng kể, đơn cử như việc giảm thuế quan. Thông qua việc xóa bỏ dần thuế quan trong 10 năm kể từ năm 2020, EVFTA mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và ngược lại. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện những lợi ích mà FTA này mang đến cho doanh nghiệp châu Âu.

Cũng theo BCI quý II/2023, lợi ích quan trọng thứ hai và thứ ba của EVFTA là khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn và giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh ở đất nước này. Các doanh nghiệp châu Âu nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa các dịch vụ khi kinh doanh tại Việt Nam. Trong bảy năm tới, khi thuế quan tiếp tục giảm, doanh nghiệp châu Âu có thể “gặt hái” thêm lợi ích, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thiết bị điện, thuốc men…

Bên cạnh EVFTA, Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn. Với vị trí địa lý chiến lược và “bản đồ” FTA rộng lớn, đất nước Đông Nam Á này là điểm đến lý tưởng để trở thành một trung tâm sản xuất định hướng xuất khẩu.

Theo tôi, bên cạnh FTA này, Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và sở hữu lực lượng lao động trẻ, lành nghề, sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế phát triển.

Thêm vào đó, với vị trí địa lý chiến lược và “bản đồ” FTA rộng lớn, Việt Nam là điểm đến lý tưởng để trở thành một trung tâm sản xuất định hướng xuất khẩu, hơn nữa, còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và tiềm năng nông nghiệp tạo nền tảng cho triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ trong nhiều ngành.

Hiện tại, thách thức mà doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam là gì, thưa ông?

Mặc dù EVFTA tạo ra những triển vọng hợp tác đầy hứa hẹn nhưng các doanh nghiệp châu Âu vẫn phải đối mặt với những thách thức, cản trở việc khai thác hết tiềm năng của hiệp định. BCI quý II/2023 của EuroCham nêu bật một số trở ngại chính.

Thứ nhất, Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng doanh nghiệp EU vẫn còn gặp khó khăn. Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong các quy trình này là rất quan trọng để đẩy nhanh quá trình tạo thuận lợi cho thương mại.

Thứ hai, một số doanh nghiệp châu Âu chưa hiểu đầy đủ hiệp định. Lỗ hổng kiến thức này khiến doanh nghiệp bỏ lỡ những triển vọng hợp tác có giá trị. Việc hiểu rõ hiệp định cho phép các nhà đầu tư châu Âu khai thác tối ưu tiềm năng to lớn của FTA này.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp là một rào cản khác, ví dụ như tình trạng thiếu điện vào tháng 6/2023 tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Việc mở rộng công suất, đặc biệt là năng lượng tái tạo, là yếu tố rất quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Ngoài ra, nâng cấp đường bộ, đường sắt, cảng và sân bay cũng là chìa khóa để các hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ.

Bất chấp những thách thức kể trên, doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về triển vọng của EVFTA.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết về các cam kết của EVFTA. (Nguồn: Gulf News)

Ông đưa ra lời khuyên nào cho doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để tận dụng triệt để những lợi ích mà EVFTA mang lại?

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, ưu tiên hàng đầu là tuân thủ chặt chẽ các điều khoản của hiệp định và các thủ tục xuất khẩu thông qua hướng dẫn của chính phủ. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về các cam kết của EVFTA.

Việc nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và dịch vụ cũng là yếu tố rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu cao của thị trường EU về chất lượng, an toàn và bền vững. Để duy trì tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải bắt kịp với các sở thích và ưu tiên của người tiêu dùng châu Âu.

Hơn nữa, quan hệ đối tác với các công ty châu Âu có thể mang lại cơ hội chuyển giao kiến thức vô giá và tích hợp chuỗi cung ứng. Diễn đàn Kinh tế Xanh EuroCham dự kiến diễn ra vào ngày 2/11, giới thiệu một nền tảng mạng quan trọng để chia sẻ các phương pháp thực hành xanh tốt nhất, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút người tiêu dùng EU.

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Việt Nam và các đối tác trong ngành rất quan trọng. Phía châu Âu cần đưa ra phản hồi về các vấn đề cần triển khai và cùng nhau tìm ra các giải pháp nuôi dưỡng một môi trường giao dịch thuận lợi, hiệu quả và minh bạch hơn.

Các nhà đầu tư châu Âu nên ưu tiên quan hệ đối tác, liên doanh và mối quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp tích hợp kiến thức về các địa phương mà doanh nghiệp châu Âu muốn đến tìm hiểu, đầu tư. Ngoài ra, việc xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng giữa các nhà đầu tư EU và doanh nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho sự hợp tác lâu dài.

Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sau 3 năm thực thi EVFTA. Việt Nam cần cải thiện điều gì để đón nhiều nhà đầu tư châu Âu hơn nữa?

Việc tất cả các quốc gia thành viên EU chậm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã ảnh hưởng xấu đến dòng vốn đầu tư. Hiệp định này được thiết kế để bổ sung cho EVFTA bằng cách cung cấp bảo hộ đầu tư giữa hai bên. EVIPA hoạt động như một biện pháp bảo vệ cho các khoản đầu tư bằng cách bảo đảm đối xử công bằng cho các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam, tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Tuy nhiên, EVIPA yêu cầu phê chuẩn kép - từ cả Nghị viện châu Âu (EP) và từng quốc gia trong 27 quốc gia thành viên của EU. Hiện tại, chỉ có khoảng một nửa số quốc gia EU đã phê chuẩn hiệp định này.

Theo BCI quý II/2023, hơn 80% doanh nghiệp được khảo sát gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm thị thực và giấy phép lao động cho lao động nước ngoài. Những hạn chế này ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng quan trọng đối với FDI và khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động. Việt Nam cần giải quyết những hạn chế về di chuyển lao động để tận dụng triệt để EVFTA nhằm thu hút FDI từ châu Âu và chuyển giao tri thức liên quan.

Song song với đó, các rào cản hành chính như khó khăn trong việc xin giấy phép cần thiết và phê duyệt các dự án đầu tư cũng khiến các nhà đầu tư nản lòng và gây ra sự chậm trễ.

Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua giáo dục, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng lực lượng lao động sẽ là một cơ hội lớn. Nâng cao đội ngũ nhân tài sẽ cho phép Việt Nam triển khai hiệu quả và hấp thụ nhiều vốn FDI của châu Âu hơn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đầu tư đáng kể vào phát triển nguồn nhân lực sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm người lao động có năng lực và quan hệ đối tác lâu dài.

Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào sản xuất và xuất khẩu, đang phải chịu tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu. Vậy Việt Nam cần tận dụng EVFTA như thế nào để cải thiện tình hình xuất khẩu?

Để cải thiện tình hình xuất khẩu, theo tôi, Việt Nam cần nâng cao nhận thức về các quy tắc xuất xứ. Thuế quan thấp hơn là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hơn sang EU.

Chính phủ có thể mở các lớp đào tạo và hỗ trợ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu chính như dệt may, điện tử và nông nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của EU và tăng cường khả năng cạnh tranh với các đối tác.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sản xuất có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ có thương hiệu chất lượng cao hơn sang EU sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nổi bật hơn. Khác biệt thông qua đổi mới, thương hiệu độc đáo và chất lượng tốt hơn sẽ hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu.

Việc tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia EU là mấu chốt để hội nhập vào chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối của châu Âu.

Việc khai thác các mạng lưới doanh nghiệp hiện có mang đến cho các nhà xuất khẩu Việt Nam cơ hội mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận thị trường khối 27 thành viên. Và EVFTA cung cấp khuôn khổ lý tưởng để nuôi dưỡng các mối quan hệ kinh doanh quan trọng này.

Song song với đó, việc tích cực giải quyết các vấn đề pháp lý của châu Âu, cải thiện tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục thương mại sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều đối với đầu tư sản xuất của EU tập trung vào xuất khẩu. Một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và thân thiện sẽ mang lại nguồn vốn và kỹ năng đáng kể từ châu Âu cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Trên hết, Việt Nam nên tận dụng triệt để sự trợ giúp kỹ thuật và tài trợ của EU để hiện đại hóa hải quan và cải thiện kết nối chuỗi cung ứng. Sử dụng sự hỗ trợ này sẽ nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam.

Cuối cùng, việc thể hiện cam kết của Việt Nam đối với các hoạt động thương mại bền vững, quyền lao động và bảo vệ môi trường làm nổi bật hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của đất nước đối với EU. Điều này sẽ khuyến khích tăng trưởng xuất khẩu dài hạn tại thị trường châu Âu.

(thực hiện)