Chủ tịch Fed Jerome Powell nói về quyết định mới nhất có thể khiến đời sống người dân Mỹ gặp khó khăn hơn. |
Ngày 26/8, trong bài phát biểu được nhiều người mong chờ, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, đã đưa ra lời cảnh báo rõ ràng về ý định của Fed tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn đà lạm phát, dù rằng việc này có thể khiến đời sống người dân Mỹ gặp khó khăn hơn vì làm suy yếu nền kinh tế và trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp.
Ông Powell xác nhận, Fed sẽ dùng “các công cụ một cách quyết liệt” để kìm hãm lạm phát – vốn vẫn đang quanh quẩn gần mức đỉnh hơn 40 năm.
Trước đó, các nhà đầu tư kỳ vọng ông Powell sẽ phát tín hiệu về khả năng Fed giảm đà tăng lãi suất vào cuối năm nay nếu có thêm chỉ dấu lạm phát đang chậm lại. Tuy nhiên, vị Chủ tịch Fed cho rằng thời điểm đó chưa tới.
Phát biểu của ông Powell đã gây chấn động thị trường chứng khoán New York khiến cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh từ 3% giá trị trở lên.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, tương đương mất đi 3% trị giá vào cuối ngày 26/8, ngày tệ hại nhất của chỉ số này kể từ 3 tháng nay. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 3,4% giá trị trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm gần 4%.
Hiện Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao gây nhiều khó khăn cho người dân. Một số chuyên gia Phố Wall dự đoán nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bắt đầu đi vào suy thoái từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới, buộc Fed sau đó sẽ phải giảm dần lãi suất.
Tuy nhiên, các quan chức Fed tới nay vẫn bác bỏ khả năng này và cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên khoảng 3,75-4% vào năm sau để chặn đà lạm phát, nhưng sẽ không gây ra quá nhiều tổn thất phụ hay gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế.
Trước đó, trong tháng Sáu và tháng Bảy, Fed đã thực hiện hai lần tăng lãi suất cơ bản liên tiếp thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao.
“Chúng tôi dự định thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức đủ để đưa lạm phát trở lại 2%”, ông Powell nói.
Nhìn về tương lai, vị lãnh đạo Fed nói thêm rằng, “để khôi phục ổn định giá cả, NHTW có thể cần phải duy trì lập trường chính sách theo hướng kìm hãm (restrictive policy) trong một thời gian. Lịch sử đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc nới lỏng chính sách quá sớm”.
Dùng một bài học từ quá khứ để dẫn dắt cho chính sách hiện tại, ông Powell lưu ý, việc Fed không hành động một cách quyết liệt trong thập niên 70 đã tạo ra vòng lẩn quẩn về kỳ vọng lạm phát và dẫn tới các đợt nâng lãi suất mạnh vào đầu thập niên 80. Trong trường hợp đó, cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker khi đó đã phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái để kéo giảm lạm phát.
Vào đầu thập niên 80, “Fed cần phải chuyển chính sách tiền tệ sang phạm vi rất kìm hãm (very restrictive) trong một thời gian dài để kéo giảm lạm phát xuống mức thấp và ổn định. Sau đó, người dân đã quen với lạm phát thấp. Mãi cho tới mùa Xuân năm 2021, mọi thứ đã thay đổi”, ông Powell cho biết.
“Mục tiêu của chúng tôi là tránh rơi vào tình cảnh đó bằng cách hành động quyết liệt từ bây giờ”, Chủ tịch Fed khẳng định.
Nền kinh tế vừa trải qua hai quý suy giảm GDP liên tiếp – tức đã suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Powell và hầu hết các nhà kinh tế khác nhận thấy nền kinh tế vẫn mạnh và chỉ giảm tốc.
| Ukraine - 31 năm độc lập, 6 tháng xung đột và một tương lai bất định Được trang bị vũ khí sát thương ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh khác, Ukraine đôi khi có thể giành thế chủ ... |
| Tình hình Ukraine: Tổng thống Zelensky tiếp tục quan ngại về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, Kiev thông báo mở rộng công tác sơ tán dân thường Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của các lực ... |
| Tổng thư ký NATO: Năng lực của Nga ở phương Bắc là thách thức chiến lược Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 26/8 nhận định năng lực của Nga ở phương Bắc ... |
| Giá cà phê hôm nay 27/8: Đồng loạt quay đầu, robusta lao dốc mạnh, Fed khẳng định quan điểm 'diều hâu' Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát trong bài phát biểu được chờ đợi ở ... |
| Kinh tế Nga-Trung Quốc: 'hợp tác không có giới hạn'? Bắc Kinh muốn mua dầu của Nga và ủng hộ chính trị nồng nhiệt cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. ... |