Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc. (Nguồn: TTXVN) |
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trong hành trình bôn ba ở nhiều nước trên thế giới, làm nhiều nghề để kiếm sống, Người đã quan tâm đến báo chí và hoạt động báo chí. Cuối năm 1917, khi đặt chân lên nước Pháp, Người đã chú ý đến việc học viết báo và làm báo. Tại đây, được sự hướng dẫn tận tình của Longuet – cháu ngoại của Karl Marx – làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân, Nguyễn Tất Thành đã cố gắng học viết báo từ những bài đơn giản cho tới những bài dài, chuẩn mực hơn.
Bài báo đầu tiên Người viết trong đời làm báo là bài “Vấn đề người bản xứ” đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) ngày 2/8/1919. Người còn là cây bút chủ yếu và trực tiếp biên tập nội dung, tổ chức xuất bản, in ấn và phát hành các tờ báo Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh niên (1925), Lính Kách Mệnh – tiền thân báo Quân đội nhân dân Việt Nam (1925), Thân ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942), viết bài cho báo Sự thật (Pravda) của Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 7/11/1967…
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần II tháng 2/1951, Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao Động Việt Nam. Ngày 21/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Chỉ tính riêng báo Nhân dân, từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 1/6/1969 Hồ Chí Minh đã đăng 1206 bài với 23 bút danh khác nhau.
Trong khoảng hơn 50 năm cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Với các chủ đề đa dạng, sinh động, văn phong gần gũi, dễ hiểu những bài viết của Hồ Chí Minh trên các tờ báo: Người cùng khổ, Nhân đạo, Thư tín quốc tế, Đời sống công nhân, Sự thật, Tạp chí Cộng sản… là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn Cách mạng.
Từ số báo Thanh niên đầu tiên ra ngày 21/6/1925 đến tháng 8/1945, trong vòng 20 năm, hoạt động báo chí nước ta luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 báo chí Cách mạng được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh các tác phẩm báo chí xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại một di sản tư tưởng rất có giá trị cho việc định hướng phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam, gồm các quan điểm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của báo chí; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo. Trong tư duy của Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó, mà nhất thiết báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”. Tính chất báo chí trước hết là “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”, và nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; báo chí, truyền thông là công cụ đắc lực của Đảng, cập nhật tình hình trong nước và quốc tế.
Trong một bức thư gửi trí thức Nam Bộ - trong đó có các nhà báo – ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để giành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.
Với quan điểm, tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh báo chí cách mạng là mặt trận chiến đấu của Cách mạng: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”, nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Và, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dự và phát biểu nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị đi liền với rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, đó là trách nhiệm của các nhà báo Cách mạng Việt Nam”. Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo đấu tranh không khoan nhượng trước những luận điệu sai trái để bảo vệ Tổ quốc. Người đặc biệt nhấn mạnh tính Đảng của báo chí Cách mạng Việt Nam, vì đó là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, là cơ sở để phân biệt báo chí Cách mạng và báo chí phản Cách mạng.
Đề cập cách làm báo, Người nêu: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”. Người thẳng thắn phê bình các báo mắc phải lỗi như viết quá dài, “dây cà ra dây muống”, đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng để lộ bí mật…
Là nhà lãnh đạo, cũng là một nhà báo nên Người hiểu rất rõ vai trò và tác dụng tuyên truyền của báo chí. Ở nước ta, báo chí là công cụ chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể xã hội, diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác làm báo, viết báo đã trở thành định hướng cơ bản cho sự phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ; hoạt động báo chí càng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, theo quyết định năm 1985 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 21/6 được coi là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và hơn 30 năm với sự nghiệp đổi mới, hoạt động báo chí đã thực sự phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu. Báo chí nước ta đã đi đầu trong việc định hướng tư tưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trung thực, khách quan và thận trọng trong việc thông tin công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng khóa XIII. Trong việc biểu dương và phê phán, báo chí truyền thông cũng được tiếp thêm sức mạnh với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí Cách mạng Việt Nam đã xứng đáng là một công cụ đắc lực và hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Lực lượng báo chí, truyền thông Việt Nam quyết tâm thực hiện nghiêm túc, bài bản, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với lời dạy của Người: “Báo chí là một vũ khí sắc bén, một phương tiện thông tin không thể có cái thứ hai thay thế”.