Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam) |
Trên trang báo Thanh niên năm 1926, Người nhắn nhủ các nhà báo khi viết báo: “1/ Phải sử dụng ngôn ngữ thích hợp với đối tượng. 2/ Phải chọn cách thức thu hút người nghe, biết dắt dẫn người nghe. 3/ Nội dung diễn thuyết dễ hiểu. 4/ Bài diễn thuyết phải thích hợp với hoàn cảnh. 5/ Phải có những chứng cứ, ví dụ rõ ràng. 6/ Trong mọi hoàn cảnh, diễn giả phải trung thực, không xuyên tạc”.
Cả cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng báo chí để giành độc lập, tự do và bảo vệ Tổ quốc. Những năm tháng đầu ra đi tìm đường cứu nước, Người đã sử dụng truyền thông để mở đường, để kết nối và vận động toàn thế giới ủng hộ cho mục tiêu giải phóng đất nước. Sau này, ở mỗi một giai đoạn khác nhau, Chủ tich Hồ Chí Minh đã vừa trực tiếp viết báo, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế và lãnh đạo các hoạt động báo chí. Người coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và luôn dành nhiều tâm sức cho các hoạt động này.
Trong vai trò là nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người kể chuyện” vĩ đại của lịch sử thế kỷ XX. Trước 1945, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã khởi xướng trên diễn đàn quốc tế diễn ngôn về một dân tộc mà trước đó không có tên trên bản đồ quốc tế (Pháp gọi chung là khu vực Đông Dương), để rồi từ đó câu chuyện về số phận các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam mới được đưa ra trên các diễn đàn quốc tế.
Cộng đồng quốc tế các nước châu Âu thời đó bắt đầu biết đến tên một dân tộc “Việt Nam” ở phương Đông xa xôi từ những cuộc nói chuyện và sau này là các bài báo của Nguyễn Ái Quốc. Trong một ghi chép khi Người ở Pháp cho biết, “thường thường, ông (Nguyễn Ái Quốc) chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Paris. Có rất nhiều cuộc mít tinh... Hầu hết trong những buổi mít tinh này, ông đều phát biểu ý kiến. Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này và vì ông có vẻ dễ yêu mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam...”.
Là người kể chuyện, người đưa “yêu sách”, Người không chỉ tạo luồng diễn ngôn gây sửng sốt và đau đầu cho các nước thực dân ngay tại “chính quốc” (nước Pháp) về dân tộc Việt Nam, Người còn đặt câu chuyện đó trong tâm điểm chú ý thời đại với một nửa thế giới ở châu Á và châu Phi đang thuộc sự kìm kẹp của các nước đế quốc, góp phần tạo nguồn cảm hứng cho hàng loạt quốc gia đứng lên đòi quyền độc lập cho dân tộc của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ báo chí là một mặt trận cách mạng của Cách mạng Việt Nam, nên với vai trò lãnh đạo, Người đã thành lập tờ báo Thanh niên để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Ngừoi đã trực tiếp huấn luyện và chỉ đạo báo chí những ngày đầu tiên; Trên cương vị là Chủ tịch nước, Người cũng đặc biệt quan tâm tới hoạt động báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. (Ảnh tư liệu) |
Với công tác thông tin đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại để các nước hiểu hơn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Người chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm làm cho các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về tình cảnh của đất nước ta, từ đó, kêu gọi sự ủng hộ của các nước đối với cách mạng Việt Nam, xác định rõ đối tượng tuyên truyền.
Ở giai đoạn trước năm 1945, mục tiêu của tuyên truyền là vạch rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc và tình cảnh mất nước, làm nô lệ của người dân An Nam kêu gọi sự đồng lòng đứng lên làm cách mạng để giải phóng đất nước, và giai đoạn sau 1945 là xây dựng và thống nhất đất nước để xây dựng một nước Việt Nam thống nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về làm báo đối ngoại, vừa tinh tế, lịch lãm, vừa uyên bác và am hiểu văn hóa ngôn ngữ nước ngoài. Người để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với các nhà báo. Từng là một nhà báo chính luận xuất sắc, một nhà quản lý báo chí tài ba, những kinh nghiệm trong nghề làm báo và viết báo đã tạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một phong cách giao tiếp và trả lời phỏng vấn báo chí ngắn gọn nhưng vô cùng sắc sảo, linh hoạt, khéo léo và chuẩn xác tới từng câu, từng chữ.
Đặc biệt, ngay cả khi thẳng thắn thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không làm báo chí mất lòng – điều mà nhiều chính trị gia tầm cỡ quốc tế ngày nay vẫn mắc lỗi trong giao tiếp với báo chí. Trong hồi ký của nhiều nhà báo, còn ghi lại rất nhiều những câu chuyện như ví dụ này: “Ngày 12/10/1954, nhà văn Ba Lan M.Giulapxky gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sơn Tây đã viết: “Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch. Khi nghe phóng viên báo Sự thật hỏi, Người trả lời bằng tiếng Nga, sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Italia với phóng viên tạp chí Unita, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân, rồi Người vui vẻ giải thích bằng tiếng Pháp tại sao mình nói được nhiều ngôn ngữ như vậy”.
Bác sĩ Thụy Điển Giôn Tecman được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến uống trà một buổi sáng năm 1958, nhớ lại: “Lúc ấy tôi định phỏng vấn Người để đăng báo, nhưng cuối cùng chính Người đã phỏng vấn tôi suốt 45 phút liền, vì Người muốn hiểu biết nhiều hơn nữa về phong trào công đoàn ở Thụy Điển”.
Vì vậy, học tập và nghiên cứu phong cách, nghệ thuật báo chí đối ngoại Hồ Chí Minh sẽ mang lại cho thế hệ mai sau nhiều tri thức bổ ích. Trong bối cảnh ngày nay, công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam đã có nhiều chính sách, chiến lược kịp thời. Tuy nhiên, những bài học từ thực tiễn và cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn có ý nghĩa thời đại cho đến hôm nay và mai sau.
Bác Hồ - người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. (Nguồn: NXB Thông tấn) |
| Báo chí Argentina: Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là biểu tượng vượt xa giới hạn lịch sử Ngày 17/5, báo chí Argentina đã có bài viết ca ngợi cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 134 ... |
| GS.TS. Mạch Quang Thắng: Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người hội tụ cả đức lẫn tài Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, GS.TS. Mạch Quang Thắng, nguyên Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ ... |
| Nhà văn, nhà báo Mỹ Lady Borton và cuốn sách đầy tâm huyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh Nhân 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nhớ về dịp Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Báo chí cần 'chuyển mình' trong thời đại số Để tiếp tục thành công trong thời đại số và truyền thông xã hội, báo chí cần thực hiện một loạt các đổi mới và ... |
| Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chúc mừng Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp 21/6 Ngày 14/6, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Ngọc Hùng đã đến thăm và chúc mừng Báo ... |