Nhỏ Bình thường Lớn

Chủ tịch Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc Việt Nam

Cách đây tròn 55 năm, ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 Âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từ biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Trái tim của Người ngừng đập nhưng những di sản của Người vẫn còn sống mãi...

Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng đọc trong Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch khái quát một chân lý sâu sắc, lay động triệu triệu trái tim: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Chân lý ấy trường tồn cùng dân tộc, đất nước, nhân dân Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh.

gia-tri-va-y-nghia-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-qua-di-chuc-1
Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những tư tưởng mà Người để lại trong Bản Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh – Việt Nam

Quê nội Bác Hồ ở làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An. Một khu vực ở Vinh, Nghệ An từng được Vua Quang Trung chọn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Nguyễn Tất Thành lớn lên, đi học ở Kinh đô Huế. Những năm tháng đó là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) ra năm châu bốn bể, tìm đường cứu nước. Ba mươi tư năm sau, ngày 2/9/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đất nước ta chính thức có tên trên bản đồ thế giới với tư cách một quốc gia độc lập.

Từ ngày 2/9/1945 lịch sử, nước Việt Nam non trẻ như Phù Đổng vươn mình, bước vào cuộc kháng chiến 9 năm, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Tròn 24 năm sau ngày khai sinh đất nước, trái tim vĩ đại ấy ngừng đập tại Hà Nội. Người về cõi vĩnh hằng với nỗi niềm đau đáu khôn nguôi, chưa thể về thăm đồng bào Miền Nam kháng chiến. Với Bác Hồ, “Miền Nam yêu quý luôn trong tim tôi” và đồng bào miền Nam luôn hướng về Hà Nội, nơi Bác lãnh đạo cách mạng mà nuôi chí bền.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, phương châm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã chỉ đạo, dẫn dắt nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Việt Nam lập nên kỳ tích “đánh thắng hai đế quốc to”.

Ngay trong chiến tranh ác liệt, Hồ Chủ tịch chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Hồ Chủ tịch khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là “…xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Xây dựng miền Bắc đủ sức tự bảo vệ, làm hậu phương lớn, chi viện, cổ vũ đồng bào miền Nam hy vọng, đấu tranh.

Cùng với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người còn nhấn mạnh “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đó là những triết lý sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu - Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội lần thứ IV, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại”.

Hệ thống quan điểm đó vô cùng đồ sộ, có thể khái quát một số nội dung cơ bản sau: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh to lớn của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng nền ngoại giao độc lập tự chủ; công tác xây dựng Đảng; giữ gìn đạo đức cách mạng và chăm lo thế hệ tương lai...

Bản Di chúc được chuẩn bị một cách chủ động, kỹ lưỡng đến từng câu chữ trong 5 năm, có đoạn rất quan trọng - “Trước hết nói về Đảng”. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những từ “thật sự”, “thực sự”, “thật” được nhắc lại nhiều lần, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không những quan tâm đến nhiệm vụ trước mắt mà Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tương lai. Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta tài sản vô giá - Tư tưởng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh. Người là tấm gương sáng ngời về sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nói và làm; về đạo đức cách mạng; rất vĩ đại mà cũng rất giản dị, gần gũi. Vì thế, Người có sức hấp dẫn, sức truyền cảm, thuyết phục vô cùng to lớn.

“Quốc gia đại sự” là chuyện trọng đại, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đến những việc nhỏ nhất, không bỏ sót một ai. Nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ thay lời nhân dân, đất nước ca ngợi tầm vóc và tâm hồn cao cả, tình yêu thương mênh mông của Hồ Chí Minh, “Bác sống như trời đất của ta. Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa. Tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già!”.

Tạo hóa có những điều vô cùng kỳ diệu. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vòng bất tử, luôn gắn với những địa danh tiêu biểu, tinh hoa của Việt Nam; mãi gắn với những sự kiện lịch sử của đất nước. Người là ánh sáng chỉ đường, dẫn dắt, truyền nhiệt huyết, động lực để Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, không ngừng lớn mạnh, vươn lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa vào non sông đất nước, trường tồn cùng dân tộc Việt Nam; sống mãi trong lòng dân tộc và nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô, được tổ chức trong toàn quốc từ ngày 18/01 - 18/02/1954 tại Việt Bắc, nhân kỷ niệm 4 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ n
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô, được tổ chức trong toàn quốc từ ngày 18/1-18/2/1954 tại Việt Bắc, nhân kỷ niệm 4 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. (Nguồn: TTXVN)

Dân tộc và thời đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng dân tộc, đồng thời còn là nhà cách mạng tiêu biểu, người có sức ảnh hưởng lớn của nhân loại trong thế kỷ XX và là danh nhân văn hóa thế giới.

Trên hành trình cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, nêu ra luận điểm nổi tiếng, “chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”. Từ đó Người kết luận, phải luôn gắn kết giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng ở các nước thuộc địa.

Tư tưởng của Người về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, về vai trò to lớn của nhân dân, về đoàn kết quốc tế…, vượt phạm vi quốc gia, dân tộc, có giá trị thúc đẩy, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, chống chiến tranh… trên thế giới.

Tiếng hô “Hồ Chí Minh, Việt Nam” vang lên ở Cuba “hòn đảo tự do” và nhiều quốc gia châu Phi, châu Mỹ Latinh… Nga, Trung Quốc, Cuba, Nhật Bản và một số nước dựng tượng đài Hồ Chí Minh. Pháp đặt tên Hồ Chí Minh cho 7 con đường ở Nam Lyon, Bretagne, Rhoone-Alpes…. Tất cả cho thấy sự khâm phục và tầm ảnh hưởng lớn lao của Người.

Trong Bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm lớn đối với phong trào cộng sản quốc tế. Người viết, “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”; “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”, “trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Với những đóng góp to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nước công nhận, đánh giá cao. Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng khẳng định Người đã “để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại” và là “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại Công viên G20 rộng hơn 4.700m2, nằm giữa khu Ngoại giao đoàn, tại điểm giao giữa đường Kautilya và đường Niti, được ví như “trái tim” của Thủ đô New Delhi.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam đến dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô New Delhi. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

***

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những trường hợp đặc biệt của lịch sử, “trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống” và thời gian càng lùi xa, sức sống và giá trị tư tưởng của Người vẫn tỏa sáng, trở thành biểu tượng văn hóa tương lai của nhân loại. Như lời nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam cách đây một trăm lẻ một năm, “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.

Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam của Đảng ta, đất nước ta; là nền tảng cho những quan điểm, định hướng lớn trong Cương lĩnh chính trị và văn kiện, nghị quyết của Đảng. Kỷ niệm 79 năm ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là 79 năm Người đi xa, về “thế giới người hiền”, chúng ta càng nhớ Bác. Càng thương nhớ, biết ơn, chúng ta càng phải nỗ lực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Như vậy, Bác sẽ sống mãi trong lòng nhân dân, dân tộc Việt Nam.

79 năm Ngoại giao Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước

79 năm Ngoại giao Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước

Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ...

Những ký ức sâu đậm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những ký ức sâu đậm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh một vị lãnh tụ hiền từ, giản dị, chất phác lại hiện lên trong ...

Những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc

Những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc

Tại Quảng Châu, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước đã nhiệt tình cống hiến hết mình ...

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9: Đoàn kết vì vị thế quốc gia phát triển

Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9: Đoàn kết vì vị thế quốc gia phát triển

Trải qua nhiều thế hệ, đoàn kết đã trở thành một phẩm chất tự giác, có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào để giúp ...

Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ I): Thêm bạn bớt thù, nhân văn và hòa hiếu

Tự hào sứ mệnh Ngoại giao Việt Nam (Kỳ I): Thêm bạn bớt thù, nhân văn và hòa hiếu

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trong buổi tọa đàm “Tự hào sứ mệnh ngoại giao”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên ...