📞

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1945-1946

Diệu Linh - Hồng Trang 20:24 | 11/03/2021
TGVN. Ngày 11/3, tại Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao diễn ra tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1945-1946”, với diễn giả chính là PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Diễn giả và các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tọa đàm do Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao chủ trì tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ký kết Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946-6/3/2021). Tham dự có các cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên các đơn vị trong Bộ, sinh viên Học viện Ngoại giao.

Tại tọa đàm, diễn giả Nguyễn Mạnh Hà đã chia sẻ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạt động ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn 1945-1946. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước nói chung và của ngoại giao Việt Nam nói riêng.

Ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao chính thức thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên – đây cũng là ngày ta công bố danh sách Chính phủ cách mạng lâm thời trên báo chí.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là diễn giả của tọa đàm.

Ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn hết sức khó khăn, nhà nước non trẻ đứng trước vô vàn thử thách như chính quyền vừa mới ra đời, kinh tế đình đốn, ngân sách trống rỗng, chưa được quốc tế công nhận, thiên tai, đặc biệt là thù trong giặc ngoài liên tiếp.

Trong thời điểm "ngàn cân treo sợ tóc" vô vàn khó khăn đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện những sách lược hết sức đúng đắn, khôn khéo vừa kiên quyết vừa linh hoạt: khi hòa với Tưởng, tập trung sức lực chống Pháp xâm lược miền Nam, lúc hòa với Pháp trong ký kết Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 để đuổi Tưởng về nước, góp phần giữ vững Nhà nước độc lập non trẻ.

Những dấu ấn đậm nét nhất của nền ngoại giao dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này là đối phó với 4 đạo quân nước ngoài có mặt ở Việt Nam, ứng xử tài tình với 5 nước lớn cùng một lúc.

Đông đảo các cán bộ, đoàn viên thanh niên, sinh viên trong Bộ Ngoại giao tham dự tọa đàm.

Trong đó, trung lập hóa Mỹ, tránh xung đột với quân Anh, quân Tưởng và tập trung lực lượng kiên quyết chống Pháp xâm lược. Khi Tưởng và Pháp thỏa hiệp cho phép quân đội Pháp ra miền Bắc, chúng ta tiến hành đấu tranh ngoại giao theo phương châm “hòa để tiến” nhằm kéo dài thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài vì nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, nhờ đó góp phần quan trọng để bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.

Thay mặt Ban tổ chức, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao, ông Đặng Xuân Dũng mong rằng, qua buổi tọa đàm, các thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về quá trình chiến đấu gian khó trên "mặt trận ngoại giao" những năm 1945-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Từ đó, trên cơ sở vận dụng những tư tưởng, sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà ngoại giao trẻ, nhà ngoại giao tương lai sẽ biết cách phân tích tình hình, rút ra mục tiêu và triển khai tốt các hoạt động đối ngoại.

Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao, ông Đặng Xuân Dũng mong rằng thông qua tọa đàm, thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ hơn về giai đoạn đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đầy gian khó của Việt Nam trong năm 1945-1946.

Là một người luôn hào hứng trong tìm hiểu về hoạt động đối ngoại của Việt Nam, sau khi nghe chia sẻ của diễn giả, bạn Phương, sinh viên năm 3 Học viện Ngoại giao đã thu thập thêm nhiều câu chuyện xoay quanh hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1946 tuy ngắn ngủi nhưng đầy gian khó đó. Đặc biệt, những sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho ngành ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

“Buổi toạ đàm rất bổ ích và lý thú, giúp thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu thêm về lịch sử, nhìn nhận được tầm quan trọng của ngoại giao trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

Riêng với cá nhân tôi, là một cán bộ làm công tác lưu trữ, buổi toạ đàm càng thêm ý nghĩa, giúp tôi hiểu được giá trị của những bằng chứng lịch sử và được biết thêm những câu chuyện chưa kể về Bác Hồ”, chị Nghiêm Ngọc Trang, Phòng Lưu trữ chia sẻ.