Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile (9-12/11), thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 (12-16/11). |
Thật đặc biệt! Chuyến thăm chính thức Chile (9-12/11), thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 (12-16/11) của Chủ tịch nước Lương Cường đều đứng trước những mốc dấu ý nghĩa. Đó là 55 năm cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Thượng viện (sau đó là Tổng thống) Chile Salvador Allende; 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Peru và kỷ niệm APEC tròn “35 tuổi”. Rõ ràng, chuyến công tác là dịp để Việt Nam và các đối tác nghĩ về những giai đoạn mới.
Mạch nguồn hữu nghị
Dù cách trở về khoảng cách địa lý nhưng sợi dây vững chắc nối liền Việt Nam với các nước Mỹ Latinh, trong đó có Chile và Peru, chính là tình hữu nghị vượt thời gian. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đoàn kết và ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân các nước Mỹ Latinh, trong đó có nhân dân Chile và Peru. Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm quý báu đó.
Vì vậy, chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường lần này không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với quan hệ toàn diện Việt Nam-Chile hay quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Peru mà còn là sự tiếp nối, khẳng định và củng cố tình cảm hữu nghị truyền thống với các nước bạn bè Mỹ Latinh.
Chia sẻ với TG&VN về chuyến thăm, tân Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Việt Cường cho rằng chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm lần này sẽ giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực mấu chốt mà cả hai bên cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, quốc phòng, văn hóa… nhằm nâng lên cấp độ hợp tác cao hơn.
Với Peru, theo Đại sứ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Peru) Bùi Văn Nghị, chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường là cơ hội lịch sử, động lực để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Xuyên suốt ba thập kỷ, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, ASEAN dù cách xa Chile và Peru song lại là khu vực được hai nước Mỹ Latinh vô cùng quan tâm. Cũng vì thế, với vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Chile và Peru đối với ASEAN, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN và hai nước Mỹ Latinh cũng như tăng cường hợp tác giữa hai khu vực.
Thủ đô Lima, Peru. (Nguồn: Tierravivas.com) |
CPTPP và nhiều hơn thế…
Có thêm những “dây tơ” nối liền hai bờ Thái Bình Dương, xóa mờ gian nan về “đường sá”, giúp hiện thực hóa những “chuyến xe thị trường” giữa những vùng đất xa xôi. “Dây tơ” ở đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay những hiệp định kinh tế song phương đã đạt được.
Việt Nam, Chile và Peru đều là thành viên trong CPTPP, Việt Nam và các nước đều có thể khai thác lợi thế từ hiệp định để thúc đẩy thương mại song phương và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của nhau.
Theo Đại sứ Nguyễn Việt Cường, trong khuôn khổ CPTPP, quan hệ thương mại hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều, có nhiều hình thức để khai thác tiềm năng thị trường hai bên như: giảm thuế quan; thu hút đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; mở cửa thị trường hơn nữa, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của mỗi nước...
Ở cấp độ song phương, Chile là nước đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam vào năm 2014 (VCFTA). Tròn một thập kỷ, VCFTA đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam-Chile, giúp kim ngạch thương mại liên tục tăng.
Với Peru, việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Peru gần đây đã trở thành công cụ quan trọng để tăng cường thương mại hàng hóa, dịch vụ cũng như đầu tư giữa hai nước. Theo Đại sứ Bùi Văn Nghị, lợi thế thuế quan bằng 0 đối với nhiều sản phẩm khác nhau và sắp tới là Lễ khai trương Cảng lớn Chancay tại Peru trong tháng 11 này, thời gian vận tải hàng hải giữa Peru và Việt Nam sẽ rút ngắn từ 40 ngày xuống còn 25 ngày, là cơ hội giúp tăng cường năng lực và hiệu quả trao đổi hàng hóa cũng như mở ra cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ logistic.
Hiện nay, Peru là nước có đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với dự án của Tập đoàn Viettel. Peru đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru tại ASEAN.
Thủ đô Santiago, Chile. (Nguồn: lightfoodtravel) |
Ủng hộ sứ mệnh, vị thế của APEC
Tuần lễ cấp cao APEC là diễn đàn đa phương đầu tiên Chủ tịch nước Lương Cường tham dự trên cương vị mới. Điều này cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương nói chung cũng như tiến trình APEC nói riêng, hướng đến đảm nhiệm cương vị Chủ tịch APEC 2027.
Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, chủ nhà Peru thúc đẩy ba ưu tiên chính là: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường. Có thể khẳng định, những ưu tiên này là những chủ điểm mà Việt Nam hết sức quan tâm trong các mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới. Do vậy, đoàn Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ cấp cao, tiếp xúc rộng rãi các đối tác quan trọng trong APEC và các tập đoàn doanh nghiệp lớn ở khu vực.
Tại các Hội nghị, Chủ tịch nước sẽ nêu các đề xuất của Việt Nam về các giải pháp chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, đem lại các lợi ích thiết thực, bao trùm, bền vững cho tất cả người dân.
Với APEC, 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 35 năm APEC hình thành và phát triển, trở thành một diễn đàn kinh tế hàng đầu của khu vực. Hiện nay, APEC có 21 thành viên, trong đó quy tụ 15/30 đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, chiếm khoảng 77% thương mại, 81% đầu tư trực tiếp và 85% lượng khách du lịch vào Việt Nam. |
Không chỉ với các cuộc “hội ngộ” cấp cao, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025, được các thành viên APEC đánh giá cao.
Nếu nhìn về hành trình dài hơn, có thể đánh giá, trong hơn 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC. Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC năm 2005-2006, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt của APEC. Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao, với nhiều đề xuất, khuyến nghị thiết thực lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC.
Như vậy, chuyến công tác của Chủ tịch nước Việt Nam đến khu vực Nam Mỹ với những “đích đến” song phương và đa phương sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Chile, Peru, qua đó củng cố quan hệ của Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh; đồng thời tiếp nối những nỗ lực đáng tự hào của Việt Nam trong hành trình hơn 25 năm là thành viên tích cực của cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương.