Trước thời hạn chót ngày 29/3, Hạ viện Anh nhiều khả năng sẽ tiến hành tới 3 cuộc bỏ phiếu từ 12-15/3, và kết quả của các sự kiện này sẽ định đoạt tương lai của mối quan hệ đã kéo dài 46 năm giữa Anh và EU, mối quan hệ mà người dân Anh từng bỏ phiếu để cắt đứt trong cuộc trưng cầu ý dân gây choáng váng toàn châu Âu vào năm 2016.
Thỏa thuận được thông qua
Tháng trước, đề xuất ra đi mà Thủ tướng Theresa May từng nhất trí cùng giới chức ở Brussels đã bị Hạ viện Anh thẳng thừng từ chối. Có hai nhân tố được cho là đang khiến lợi thế thuộc về Thủ tướng May trước cuộc bỏ phiếu lần thứ hai về đề xuất này. Trước hết, những người ủng hộ Brexit có thể sẽ nhận ra rằng đây là cơ hội tốt nhất – và cũng có thể là cuối cùng – để dứt khoát chia tay với liên minh. Và thứ hai, giới chức EU muốn mối quan hệ với Anh được ngã ngũ trước khi Nghị viện châu Âu khóa mới triệu tập vào tháng 7/2019. Điều này có thể sẽ buộc các nhà lãnh đạo EU phải đưa ra nhượng bộ phút chót đủ để thuyết phục Hạ viện Anh ủng hộ kế hoạch của bà May.
Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với rất nhiều kịch bản về Brexit. (Nguồn: Reuters) |
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mà hãng tin Bloomberg mới đây vừa tiến hành với sự tham gia của các chiến lược gia ngành ngân hàng tại London, người ta dự đoán có 37% cơ hội thỏa thuận ra đi sẽ được thông qua trước cuối tháng Ba này.
Kịch bản “tay trắng” ra đi
Thủ tướng May đã từ bỏ chiến lược “không có thỏa thuận thậm chí còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi” bằng việc đề xuất cơ quan lập pháp Anh loại bỏ khả năng Anh rời EU “tay trắng” trong các bài phát biểu hồi tháng trước.
Một cuộc bỏ phiếu về việc liệu Anh rút khỏi EU mà không có bất kỳ cái gì gọi là "Thỏa thuận Ra đi" sẽ diễn ra vào ngày 13/3 nếu Hạ viện Anh một lần nữa phủi bỏ đề xuất của bà May vào ngày 12/3. Nhà lãnh đạo Anh từ lâu vẫn cho rằng lo ngại về những trục trặc của tiến trình Brexit có thể là động lực để người ta ủng hộ kế hoạch mà bà đề xuất.
Tuy nhiên, nguy cơ gián đoạn trong các hoạt động thương mại và đồng bảng Anh sụt giá là điều mà Thủ tướng Anh cùng các phụ tá khó có thể chống đỡ được. Ngày càng có nhiều phản đối công khai về lựa chọn này và cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện dù chỉ mang tính chất tham khảo song lại có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Các chiến lược gia làm việc trong lĩnh vực ngân hàng dự đoán khả năng này chỉ có 10% cơ hội diễn ra.
Người biểu tình ủng hộ Brexit bên ngoài phố Downing ở London, Anh, ngày 9/3. (Nguồn: Reutes) |
Trì hoãn Brexit
Cuộc bỏ phiếu thứ ba, diễn vào ngày 14/3 nếu hai cuộc bỏ phiếu trước đó kết thúc với kết quả “chống”, có thể sẽ dẫn đến việc bà May phải yêu cầu các lãnh đạo châu Âu chấp nhận gia hạn thời gian khởi động Brexit. Thủ tướng May từng nói đến khả năng việc trì hoãn này sẽ kéo dài tới tận cuối tháng 6 song tờ Financial Times cho biết một số nhà lập pháp đã tính đến quãng thời gian dài hơn – từ 9 cho tới 21 tháng.
Brussels cũng có xu hướng ủng hộ lựa chọn trì hoãn Brexit dù điều này lại đặt ra vấn đề là liệu người Anh có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng 5 tới hay không. Các lãnh đạo EU có quyền quyết định việc có hay không trì hoãn Brexit, vì vậy hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21-22/3 sắp tới là sự kiện đặc biệt quan trọng. Người ta dự đoán khả năng này có 54% cơ hội trở thành sự thật.
Trưng cầu ý dân lần hai
Mục đích của việc trì hoãn Brexit thực tế vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Không có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy các bên liên quan sẽ dễ dàng tìm thấy một giải pháp mà họ vẫn mong mỏi trong suốt 2 năm liền đàm phán. Tuy nhiên, cả phe tìm cách duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể giữa Anh và EU cùng phe đơn giản là chỉ muốn cắt đứt hoàn toàn mọi thứ đều đang gấp rút đẩy mạnh các mục tiêu của mình.
Những đòi hỏi về một cuộc trưng cầu ý dân lần hai đã dấy lên ngay khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên năm 2016 kết thúc với một kết quả quá sít sao nghiêng về phía những người hoài nghi EU. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy người dân Anh vẫn chia rẽ về cả vấn đề Brexit cũng như việc có nên tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác hay không.
Việc tổ chức trưng cầu ý dân cần thời gian lên kế hoạch và tổ chức, cũng như cần có sự đồng thuận của cơ quan lập pháp. Việc Thủ tướng Anh cho tới nay vẫn phản đối khả năng này đồng nghĩa với việc nó có thể sẽ chỉ diễn ra chừng nào có sự thay đổi trong chính phủ và thậm chí là sau các cuộc bầu cử sớm.