Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Nguồn: ĐSQ VN tại Lào) |
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 11-12/7.
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nêu bật mục đích, ý nghĩa chuyến thăm, đồng thời chia sẻ những kỳ vọng về sự kiện quan trọng này.
Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm Lào sắp tới của Chủ tịch nước Tô Lâm đối với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào?
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm mang rất nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.
Tin liên quan |
Đại sứ Lào: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Lào và đoàn kết ASEAN |
Trước hết, đây là chuyến thăm Lào và cũng là hoạt động đối ngoại đầu tiên ở nước ngoài của đồng chí Tô Lâm sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất quán coi trọng và đưa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Đồng thời, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước ta tới Lào lần này là chuyến thăm nghĩa tình, thể hiện sự thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào nói chung, giữa các cá nhân Lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng.
Qua đó, sẽ góp phần gia tăng sự tin cậy về chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, thắt chặt tình cảm thân thiết giữa các đồng chí Lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo xung lực mới để thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng phát triển.
Đáng chú ý, chuyến thăm được tiến hành trong bối cảnh Lào đang tích cực chuẩn bị, tổ chức các Hội nghị liên quan trong vai trò Chủ tịch năm ASEAN 2024. Trong các cuộc tiếp xúc với Đại sứ ta, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Lào kỳ vọng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Lào đảm nhiệm thành công trọng trách này.
Với những ý nghĩa sâu sắc đó, chuyến thăm lần này có những mục đích chính quan trọng: Là dịp để Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trao đổi ý kiến về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước, tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Lào trong thời gian qua và phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Nhân dịp này, dự kiến hai bên sẽ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng.
"Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước ta tới Lào lần này là chuyến thăm nghĩa tình, thể hiện sự thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào nói chung, giữa các cá nhân Lãnh đạo cấp cao hai nước nói riêng. Qua đó, sẽ góp phần gia tăng sự tin cậy về chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, thắt chặt tình cảm thân thiết giữa các đồng chí Lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo xung lực mới để thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng phát triển." (Đại sứ Nguyễn Bá Hùng) |
Những hoạt động, nội dung điểm nhấn trong chuyến thăm này là gì? Đại sứ kỳ vọng thế nào về chuyến thăm?
Bên cạnh các hoạt động truyền thống theo thông lệ của một chuyến thăm cấp Nhà nước của Lãnh đạo cấp cao chủ chốt, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chứng kiến Lễ ký kết một số văn kiện; dự Lễ bấm nút kích hoạt triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào; cử Lãnh đạo hai Bộ Công an tham dự Lễ động thổ trung tâm cai nghiện tại Km62 và một số dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước cũng như thể hiện nghĩa cử ủng hộ của Đảng, Nhà nước ta với Đảng, Nhà nước Lào trên cương vị Chủ tịch năm ASEAN 2024…
Tôi tin tưởng rằng, những hoạt động này sẽ giúp tạo ra xung lực mới cho quan hệ Việt Nam-Lào trên tất cả các kênh và lĩnh vực hợp tác, góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, trong đó có Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025.
Qua đó, giúp củng cố và tăng cường đưa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên một tầm cao mới.
Chủ tịch nước Tô Lâm với Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN và Timor-Leste ngày 30/5. (Nguồn: TTXVN) |
Trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định thương mại mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần tăng cường quan hệ thương mại song phương. Đại sứ có thể chia sẻ chiến lược mà hai nước đang phối hợp triển khai và vai trò của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào nhằm thực thi Hiệp định này?
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay, Hiệp định thương mại 2015 có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của hai bên.
Để đáp ứng với yêu cầu, tình hình mới, trong tháng 4/2024 vừa qua, hai nước đã ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào mới với nhiều nội dung sửa đổi, làm mới quan trọng.
"Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào, là cơ sở chính thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai bên, Đại sứ quán không ngừng chú trọng công tác tạo thuận lợi cho thương mại Việt Nam-Lào, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới.", (Đại sứ Nguyễn Bá Hùng) |
Việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào 2024 nhằm hiện thực hóa những cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước về hợp tác kinh tế, góp phần củng cố mối quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào.
Đáng chú ý, Hiệp định mới đã nêu các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại hai nước như quy định về tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Sau khi đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại năm 2015, tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững và lâu dài, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các cam kết về thuế suất, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hơn cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với một số mặt hàng.
Thông qua những ưu đãi mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, các doanh nghiệp của mỗi bên sẽ có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để tiếp cận thị trường của nhau, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam-Lào, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại hai nước đạt mốc 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào, là cơ sở chính thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần tăng cường quan hệ đặc biệt giữa hai bên, Đại sứ quán không ngừng chú trọng công tác tạo thuận lợi cho thương mại Việt Nam-Lào, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới. Do vậy, trong thời gian tới Đại sứ quán sẽ tập trung:
Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là kinh tế vĩ mô, pháp lý, chủ trương, chính sách mới của Lào và cả Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp qua nhiều kênh, như website của Đại sứ quán, Bản tin kinh tế, hoặc trực tiếp tại các hội nghị doanh nghiệp, đặc biệt các vấn đề liên quan đến thương mại hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng Lào để xác định cơ hội trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng nông nghiệp sạch, công nghệ hiện đại.
Thứ hai, định kỳ tổ chức các hội nghị doanh nghiệp, để nắm bắt tình hình, các khó khăn vướng mắc trong triển khai Hiệp định thương mại của doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan chức năng hai nước tìm giải pháp.
Đại sứ quán cũng sẽ làm cầu nối cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan chủ quản của Lào như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các sở, ban ngành của Thủ đô Vientiane và địa phương. Các doanh nghiệp có nhu cầu đều được hỗ trợ trong việc tìm kiếm đối tác, đàm phán ký kết thỏa thuận thương mại…
Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động kết nối, quảng bá tuyên truyền nhằm đưa các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vào Lào ngày một nhiều hơn.
Thứ tư, để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, giảm giá chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường Lào, Đại sứ quán sẽ tiếp tục trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng của Lào quan tâm phát triển xây dựng các tuyến kết nối hạ tầng giữa hai nước có chất lượng, sớm cải cách các thủ tục xuất nhập khẩu, giảm các chi phí thông quan tại các cửa khẩu nhằm tăng tốc độ lưu thông hàng hóa và phương tiện giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith ký Hiệp định thương mại Việt Nam-Lào mới tại Vientiane, ngày 8/4. (Nguồn: TTXVN) |
Trong những năm qua, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào được không ngừng vun đắp bởi các thế hệ nhân dân hai nước. Đại sứ hãy điểm lại một số hoạt động, sự kiện thắm tình hữu nghị mà cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã triển khai gần đây?
Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào luôn được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước quan tâm vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Để có được điều này, có một phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam tại Lào qua các thời kỳ. Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào được thể hiện qua nhiều hoạt động ý nghĩa do cộng đồng người Việt Nam tại Lào triển khai trong nhiều năm qua.
Các Hội đoàn người Việt Nam thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về văn hoá - thể thao với sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người Việt Nam tại Lào và người dân Lào.
Các chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn được các Hội đoàn chú trọng nhằm tăng thêm sự hiểu biết về văn hoá, truyền thồng dân tộc của nhân dân hai nước. Có thể kể đến các hoạt động vui đón Tết cổ truyền và trao quà từ thiện, các hoạt động nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane… bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ về các vị lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc Việt Nam-Lào, các hoạt động nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm để tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ Việt Nam và Lào, những người con ưu tú của hai dân tộc đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập và tự do của hai đất nước.
Chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức trong cộng đồng người Việt trên toàn nước Lào, như nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022, Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane tổ chức Hội thi “Phụ nữ góp phần gìn giữ tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào”…
Các Hội người Việt Nam ở các tỉnh thành cũng thường xuyên phối hợp với các ngôi chùa Việt Nam trên toàn nước Lào tổ chức các ngày kỷ niệm Phật giáo như Đại lễ Phật Đản, Tết Vu Lan… chương trình Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, Lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hai nước với sự tham dự của đông đảo phật tử cả kiều bào và Lào…
Tại nhiều tỉnh thành, Hội người Việt phối hợp tổ chức các lớp dạy tiếng Việt trong cộng đồng và cho người Lào. Ở thủ đô Vientiane, Hội người Việt cũng đã phối hợp với Đại sứ quán và chùa Phật Tích tổ chức lớp học tiếng Việt và tủ sách tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào và người dân Lào nhằm khuyến khích phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong cộng đồng cũng như sở tại.
Cộng đồng người Việt Nam tại Lào cũng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân Lào còn khó khăn. Nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, các Hội người Việt Nam tại các tỉnh thành trên toàn Lào, nhiều mạnh thường quân là kiều bào đã phát huy tấm lòng “tương thân tương ái” trực tiếp trao tặng lương thực, thực phẩm và tiền hỗ trợ cho các địa phương ở Lào.
Với tinh thần đồng hành cùng hai dân tộc vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, các hoạt động phong phú, đa dạng và rất ý nghĩa trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã góp phần lan tỏa rộng rãi và giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc hơn về sự gắn kết lịch sử giữa hai dân tộc.
Từ đó, mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc củng cố, vun đắp, tình hữu nghị keo sơn, thủy chung và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Lễ động thổ trùng tu chùa Phật Tích nhằm cải tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng Phật tử người Việt và Lào ở sở tại, ngày 29/12/2023, tại thủ đô Vientiane, Lào. (Nguồn: TTXVN) |
| Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Belarus. |
| Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New ... |
| Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ngày 8/7, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào và ... |
| Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Campuchia: Làm sâu sắc tình hữu nghị đặc biệt theo phương châm 16 chữ vàng Nhân dịp Chủ tịch nước Tô Lâm sắp có chuyến thăm chính thức Campuchia, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã chia ... |
| Đánh dấu và mở đường 'cơ duyên' Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục đơm hoa kết trái Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh dấu và mở đường để quan hệ Đối tác ... |