📞

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nhà giáo dục Hoa Kỳ

00:47 | 27/07/2013
Ngày 26/7/2013, tại New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Lãnh đạo Quỹ hỗ trợ giáo dục đại học Việt Nam, đại diện một số trường đại học và viện nghiên cứu, cùng các nhà giáo dục Hoa Kỳ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nhà giáo dục Hoa Kỳ. (Ảnh; Hải Bằng)

Tại buổi tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng gặp các vị Lãnh đạo Quỹ hỗ trợ giáo dục đại học Việt Nam, đại diện một số trường đại học và viện nghiên cứu, cùng các nhà giáo dục Hoa Kỳ, trong đó có nhiều người rất am hiểu tình hình Việt Nam, gắn bó với Việt Nam trong nhiều năm, có đóng góp quý báu vào việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng trong 18 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác giáo dục đã trở thành là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên.

Hai nước đang triển khai các chương trình hợp tác có hiệu quả như Chương trình Fulbright, Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành kỹ thuật (HEEAP), Chương trình đưa giảng viên, sinh viên giỏi đi học tiến sỹ tại các trường đại học có uy tín ở Hoa Kỳ để làm nguồn giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng theo các chương trình của Chính phủ Việt Nam, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đưa giáo viên tình nguyện đến Việt Nam dạy tiếng Anh hoặc giảng dạy, nghiên cứu chuyên ngành tại Việt Nam. Rất nhiều sáng kiến hợp tác đang được triển khai từ phía chính phủ cũng như các tổ chức, cá nhân của cả hai bên để hiện thực hóa các tiềm năng hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng chứng kiến những bước tiến dài trên lĩnh vực này. Nếu như cách đây 10 năm, chỉ có trên 3.000 sinh viên VN học tập tại Hoa Kỳ, đến nay, con số này đã tăng gấp 5 lần, trên 15.000 em, đứng đầu các nước ĐNÁ và đứng thứ 8 trong số các nước gửi sinh viên sang Hoa Kỳ học tập. Những thành tựu kể trên có phần đóng góp rất quan trọng của các quỹ, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà giáo Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh việc hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện trong dịp này chắc chắn sẽ tạo khuôn khổ mới và tiếp thêm động lực cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong giai đoạn tới, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định giáo dục là mối quan tâm lớn của xã hội cũng như của từng gia đình Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được xây dựng từ Thế kỷ thứ 11. Các gia đình Việt Nam đều rất coi trọng việc xây dựng nền tảng tri thức cho thế hệ sau. Dù kinh tế còn khó khăn, họ sẵn sàng đầu tư sức lực, tiền của để con em mình cơ hội học tập và vươn lên.

Chính phủ Việt Nam cũng coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nhân tố quyết định sự phát triển. Phát triển giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào những thành tựu của công cuộc đổi mới và phát triển. Năm 2012, Việt Nam có gần 75.000 giảng viên; 2,2 triệu sinh viên đại học và cao đẳng.

Chủ tịch nước kêu gọi các nhà lãnh đạo ngành giáo dục Hoa Kỳ nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ giáo dục, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu trong phát triển giáo dục đại học của Việt Nam.Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều sinh viên VN có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ và sẵn sàng tiếp nhận các sinh viên Hoa Kỳ tới VN để học tập, nghiên cứu, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện, qua đó có thêm nhiều người Hoa Kỳ hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ, đất nước và con người Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin rằng những em học sinh từng tham gia những chương trình trao đổi giáo dục này trong tương lai sẽ không những đóng góp hiệu quả vào sự phát triển thịnh vượng của hai nước, mà còn tiếp bước chúng ta, không ngừng vun đắp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc.

Hải Bằng (từ New York)