📞

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Áo, Italy và Tòa thánh Vatican: Một tinh thần, ba điểm đến

Hà Phương 14:43 | 20/07/2023
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van Dar Bellen, Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italy và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23-28/7.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Nguồn: TTXVN)

Đây là chuyến thăm Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp Nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam với Italy và Vatican trong bảy năm qua, cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ có các buổi gặp, tiếp xúc với lãnh đạo Áo, Italy và Tòa thánh Vatican, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn hợp tác song phương với Áo, Italy và Vatican; thông qua Áo và Italy thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU và góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.

Làm sâu sắc quan hệ Việt Nam-Áo

Áo là một trong những nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (năm 1972). Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg (tháng 4/2023), các lãnh đạo Việt Nam đều khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Áo, một quốc gia thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU).

Suốt hơn năm thập kỷ qua, quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (tháng 9/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị liên minh các Chủ tịch Quốc hội Áo (tháng 9/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Áo (tháng 9/2022); Bộ trưởng Áo Alexander Schallenberg thăm chính thức Việt Nam (tháng 4/2023). Hai nước thường xuyên phối hợp tại các diễn đàn đa phương và cơ chế quốc tế như Liên hợp quốc, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM).

Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Hợp tác kinh tế được đặc biệt chú trọng với nhiều mục tiêu cao hơn nữa, dựa trên những nền tảng vững chắc. Hiện nay, Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Áo trong ASEAN. Trao đổi thương mại song phương năm 2022 đạt 2,79 tỷ USD. Đầu tư của Áo vào Việt Nam đạt khoảng 148 triệu USD (đứng thứ 44/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam) và có khoảng 60 doanh nghiệp Áo đang hoạt động tại Việt Nam.

Đưa tổng kim ngạch thương mại song phương lên 4 tỷ USD trong những năm tới là mục tiêu hai nước đang cùng hướng đến khi tận dụng các cơ hội to lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Việt Nam mong muốn Chính phủ Áo có tiếng nói ủng hộ, thúc đẩy Quốc hội Áo sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); ủng hộ việc Uỷ ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam; mong muốn Áo tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông-thủy sản tiếp cận thị trường Áo và EU.

Bên cạnh thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển, hai bên còn nỗ lực mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như quốc phòng - an ninh, kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo nhằm phát triển kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh…

Cụ thể hóa hơn nữa Đối tác chiến lược với Italy

Italy là một đối tác quan trọng, một người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc, các nhà lãnh đạo Italy đều khẳng định sự coi trọng quan hệ và quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Italy Sergio Mattarella từng cho biết rất ấn tượng về vẻ đẹp, tình cảm nồng ấm và sự phát triển năng động của Việt Nam trong chuyến thăm của ông vào tháng 11/2016 và trong thư chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gần đây, ông đã bày tỏ Italy mong muốn tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Hai bên thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao. Hợp tác kênh Đảng được duy trì và thúc đẩy, tiêu biểu là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Italy (tháng 1/2013); thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy. Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi (tháng 4/2022), gặp song phương Thủ tướng Italy Giorgia Meloni trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-EU (tháng 12/2022). Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU và ASEM.

Italy và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, không chỉ về địa lý, về tình cảm và các giá trị gia đình, cộng đồng, ẩm thực, văn hóa mà còn về cơ cấu kinh tế với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm, do vậy, có thể mang lại các giá trị gia tăng to lớn khi hợp tác.

"Việc Chủ tịch nước nhận lời mời thăm cấp Nhà nước đến Italy thể hiện sự coi trọng lẫn nhau và sự ủng hộ, quyết tâm của Lãnh đạo cấp cao hai nước đối với việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy". - Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng.

Do vậy, lĩnh vực kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác giữa hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN và Italy là đối tác EU lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2022, dù có nhiều biến động và khó khăn, song kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Chính phủ Italy đưa Việt Nam vào danh sách 20 quốc gia tiếp tục ưu tiên thúc đẩy thương mại, đầu tư đến năm 2030. Nhiều nhà đầu tư của Italy trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo hoạt động hiệu quả, thành công tại Việt Nam, trong đó có Bonfiglioli, Piaggio, Danieli, Datalogic, Ariston.

Hai bên nỗ lực triển khai hiệu quả EVFTA. Việt Nam mong muốn Italy sớm phê chuẩn EVIPA, ủng hộ việc EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Vatican

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Vatican có những chuyển biến tích cực. Hai bên duy trì hiệu quả tiếp xúc cấp cao và cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican.

Từ năm 1990, hàng năm, Tòa thánh cử đoàn Thứ trưởng Ngoại giao thăm Việt Nam, trao đổi các vấn đề mục vụ của Giáo hội. Tháng 1/2007, nhân chuyến thăm Italy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, là tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên.

Tháng 11/2008, hai bên nhất trí thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatican. Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp. Từ tháng 1/2011, Tòa thánh bổ nhiệm Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam. Hiện nay, Tổng giám mục, Sứ thần Tòa thánh tại Singapore Marek Zalewski là Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Trao đổi đoàn hai bên có thể kể đến những chuyến thăm quan trọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (1/2007 và 10/2014); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014); Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (10/2018). Về phía Tòa thánh có đoàn Bộ trưởng Truyền giáo – Hồng y Fernado Filoni (1/2015); Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, thành viên Tổ tư vấn của Giáo hoàng – Hồng y Reinhard Marx (1/2016).

Tại cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì ngày 31/3, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo trong đó có Công giáo.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định, Toà thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”.

Như vậy, trước các dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam với Áo, Italy và Vatican, chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân một lần nữa thể hiện tinh thần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Áo, Italy và Vatican.