Trong buổi tiếp Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp, có thể xem là hình mẫu trong hợp tác nghị viện.
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug từ ngày 31/10-4/11 góp phần củng cố thêm nhận định đó. Bởi lẽ, chuyến thăm thể hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước nói chung, hai Quốc hội nói riêng; là hoạt động chính trị quan trọng trong quan hệ hai nước, đặc biệt ngay vào thời điểm hai nước khống chế tốt tình hình đại dịch Covid-19 và cùng phấn đấu đạt mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Park Byeong-Seug trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa 21 của Hàn Quốc từ khi nhậm chức ngày 5/6, sau ba năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug. |
Chú trọng ngoại giao nghị viện
Có thể nói, chuyến thăm là minh chứng của sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Quốc hội Việt Nam; tín nhiệm Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19. Ngoài ra, chuyến thăm góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc, nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội; tăng cường giao lưu nghị sỹ quốc hội hai nước, qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc.
Trong những năm qua, việc trao đổi đoàn giữa quốc hội hai bên diễn ra thường xuyên ở tất cả các cấp. Hai bên đã trao đổi và cung cấp nhiều nội dung về tình hình khu vực, quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị viện, bao gồm lập pháp, giám sát, tiếp xúc cử tri...
Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác (2006) làm cơ sở triển khai các quan hệ hợp tác liên quan đến việc duy trì trao đổi đoàn, tăng cường hoạt động của nhóm nghị sỹ hữu nghị, giao lưu giữa nghị sỹ hai nước, cơ quan phục vụ quốc hội, trao đổi thông tin, tài liệu. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Hàn Quốc (7/2013), Chủ tịch Quốc hội hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác mới giữa hai quốc hội, cụ thể hóa hơn nữa hoạt động hợp tác nghị viện song phương và đa phương trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả hợp tác tốt đẹp.
Tại các nhiệm kỳ quốc hội vừa qua, hai bên đã thành lập Nhóm nghị sỹ Quốc hội tương ứng. Hai Nhóm có hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả thiết thực góp phần giao lưu nghị sỹ và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Song song với hợp tác nghị viện song phương, hợp tác nghị viện trong các khuôn khổ đa phương cũng được hai bên chú trọng. Cụ thể, tại khu vực, Việt Nam và Hàn Quốc phối hợp rất chủ động và tích cực tại các diễn đàn đa phương như Hội đồng liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Hội nghị Diễn đàn liên nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu (ASEP), Ủy ban Thường trực về Văn hóa Xã hội của Hội đồng Nghị viện châu Á (APA)...
Trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng ngày 22/10 tại thủ đô Seoul, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug khẳng định Việt Nam là đối tác hợp tác trọng tâm của Hàn Quốc trong chính sách hướng Nam mới. Hàn Quốc và Việt Nam là hai hình mẫu thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, hai nước không chỉ là đối tác quan trọng của nhau trong lĩnh vực chính trị-an ninh, thương mại-đầu tư mà còn có sự giao lưu nhân dân diễn ra rất sôi nổi; tin rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục được phát triển lên tầm cao mới. |
Trên phạm vi toàn cầu, Hàn Quốc cùng tham gia cơ chế Nhóm ASEAN+3 và Nhóm địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương (APG). Trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Việt Nam và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận các nội dung nghị sự của IPU, ủng hộ đề cử, ứng cử các vị trí đại diện APG vào các cơ chế điều hành các cấp của IPU (Việt Nam và Hàn Quốc đều đại diện cho APG tham gia Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2008-2011). Tại Đại hội đồng IPU 128 (Ecuador-tháng 3/2013), Hàn Quốc tích cực ủng hộ Việt Nam đăng cai IPU-132 vào năm 2015.
Tại các khuôn khổ nghị viện đa phương, hai bên đều có gặp gỡ, tiếp xúc nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nghị sĩ hai nước, đồng thời phối hợp quan điểm về một số nội dung thuộc mối quan tâm chung của khu vực.
Với những nỗ lực kể trên từ hai phía, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc Trần Văn Túy nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn thông qua kênh ngoại giao nghị viện có thể góp phần tăng cường tin cậy chính trị, giao lưu nhân dân, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, cùng chia sẻ các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đưa quan hệ vươn xa
Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Quốc hội đã đóng góp tích cực đối với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc. Như cựu Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Mun Hi Sang từng khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ hai nước, trong đó có quan hệ quốc hội đã đưa hai nước trở thành những người anh em, người thân trong gia đình và đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị, hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương được duy trì thường xuyên. Trong chín tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều đoàn ở các cấp bị tạm dừng, tạm hoãn. Để trao đổi tình hình và biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in (ngày 3/4) và hai cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Kang Kyung Wha (ngày 28/2 và ngày 23/7). Sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam, Việt Nam đã đón Ngoại trưởng Kang Kyung Wha thăm chính thức từ ngày 17-18/9.
Hợp tác kinh tế có thể được xem là một điểm sáng quan trọng trong quan hệ hai nước. Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản)và thứ hai về thương mại (sau Trung Quốc).
Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam-Hàn Quốc.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 8/2019, Hàn Quốc đã có hơn 8.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 65 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2018. Trong đó, riêng các công ty thành viên của Tập đoàn Samsung đã đóng góp khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam hiện có 40 dự án đầu tư sang Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 23,8 triệu USD. Tuy vậy, các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Ngoài ra, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam (sau Đài Loan). Hiện Việt Nam có hơn 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Moon Jae-in (tháng 3/2018), hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Hai bên đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàn Quốc có cộng đồng hơn 160 nghìn kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.