Nhỏ Bình thường Lớn

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 – 2026

Nhằm cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đầy đủ, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 197/QĐ-BCT ngày 17/2/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 – 2026.

Theo đó, Kế hoạch tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính gồm xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Quyết định nêu rõ việc xây dựng pháp luật, thể chế, trong Kế hoạch, Bộ Công Thương xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định RCEP; tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật trong nước trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.

Ngoài ra, xây dựng và vận hành các đầu mối triển khai các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương để thực hiện và tham gia Hiệp định RCEP.

Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022 – 2026
Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hướng tới thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng. (Nguồn: nguyendangvietnam)

Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các nước thành viên Hiệp định RCEP để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực hiện Hiệp định.

Mặt khác, điều phối và tham gia các hoạt động của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định RCEP, các Ủy ban, tiểu ban, nhóm chuyên môn, cơ quan đầu mối về thông tin liên lạc giữa Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định RCEP liên quan đến thực thi các nghĩa vụ của Hiệp định và thực hiện các nghĩa vụ thông báo theo Hiệp định.

Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu khả thi về việc kết nạp thành viên mới của Hiệp định khi cần thiết; tham gia đàm phán kết nạp thành viên mới của Hiệp định và điều phối việc tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài trong quá trình thực hiện Hiệp định.

Đối với tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc phổ biến, giới thiệu nội dung Hiệp định RCEP.

Đặc biệt triển khai hoạt động tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, phân tích tổng thể và chi tiết các cam kết của Hiệp định RCEP trong một số lĩnh vực, ngành hàng cụ thể cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, ngành hàng cụ thể.

Cùng với đó, phân tích cơ hội tận dụng Hiệp định để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực; đẩy mạnh sử dụng môi trường kỹ thuật số hoặc đăng tải tài liệu trên các trang mạng điện tử.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án/đề án/chương trình hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng, dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên Hiệp định RCEP; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước thành viên Hiệp định RCEP.

Hơn nữa, Bộ sẽ chú trọng nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ Công Thương, đặc biệt là hệ thống Thương vụ, Trung tâm thông tin, Trung tâm xúc tiến thương mại, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặt khác, định hướng cho các hiệp hội đổi mới văn hóa sản xuất, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các nước RCEP.

Cùng với đó, Bộ thiết lập cơ chế tổng hợp, đánh giá và cảnh báo các thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng; trong đó tập trung vào các thông tin liên quan đến hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và các cơ chế khắc phục sự cố của người tiêu dùng.

Tất cả các hoạt động của Kế hoạch này sẽ tập trung triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Theo Bộ Công Thương, Kế hoạch này mục tiêu tập trung phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP; đồng thời triển khai hiệu quả những nhiệm vụ Bộ Công Thương được giao với tư cách và cơ quan đầu mối trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP trên cơ sở huy động sự tham gia của tất cả các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công Thương.

Điều này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Bộ Công Thương trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do nói riêng và lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung.

Kế hoạch này cũng giúp hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nắm được nội dung cam kết của Hiệp định RCEP và cách thức thực hiện cam kết Hiệp định trong từng lĩnh vực một cách đúng đắn và nhất quán thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng, hiệu quả, có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là báo chí và truyền thông.

Đáng chú ý, Kế hoạch này nhằm vận dụng và phát huy có hiệu quả các cam kết của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức do Hiệp định RCEP.

Qua đó, mang lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Ngoài ra, còn giúp xây dựng kế hoạch tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ phía các nước đối tác, cũng như sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện Hiệp định RCEP hiệu quả, tiết kiệm.

Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trước bộn bề thách thức, doanh nghiệp Việt cần tăng tính hiệu quả thực thi FTA

Trước bộn bề thách thức, doanh nghiệp Việt cần tăng tính hiệu quả thực thi FTA

Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng ...

RCEP cho thấy bất lợi của Mỹ và vai trò nổi bật của Trung Quốc

RCEP cho thấy bất lợi của Mỹ và vai trò nổi bật của Trung Quốc

Sự ra mắt của RCEP diễn ra vào thời điểm Trung Quốc đang tìm kiếm những vai trò lớn hơn trong việc đưa ra các ...

(theo TTXVN)