‘Mối tình trắc trở’ EU-Ukraine: Hỗ trợ hết mức, ủng hộ hết mình, vẫn vướng ‘người thứ ba’. Trong ảnh: Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) và người đồng cấp Slovakia Robert Fico tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, ngày 1/2. (Nguồn: AP) |
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Brussels tập trung vào quốc gia thành viên duy nhất chặn gói hỗ trợ Kiev trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD). Hungary – thành viên được ví như “người thứ ba” trong mối quan hệ EU-Ukraine và là quốc gia trong khối nhưng có mối quan hệ thân thiết nhất với Nga.
"Chúng tôi đã có một thỏa thuận", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa bất ngờ cho biết trong một đoạn thông tin đăng trên mạng xã hội X.
Theo đó, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thuộc EU đã thống nhất một thỏa thuận nhằm cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ mới trị giá 50 tỷ Euro, bất chấp nhiều tuần lễ Hungary đe dọa phủ quyết. Chủ tịch Michel đã công bố thỏa thuận này khi chỉ còn khoảng một giờ nữa là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU khai mạc ở Brussels.
Ông cho biết, thỏa thuận này “bảo đảm nguồn tài trợ ổn định, dài hạn, có thể dự đoán được cho Ukraine” và chứng minh rằng “EU đang đứng đầu và chịu trách nhiệm hỗ trợ Ukraine”.
Hiện chưa rõ, liệu có bất kỳ nhượng bộ nào được thực hiện để đảm bảo sự chấp thuận của Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay không, bởi trước đó, ông vẫn kiên quyết phản đối. Thậm chí đã phủ quyết ngay tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất vào tháng 12/2023.
Hai năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, xung đột gần như đang rơi vào bế tắc và Kiev rất cần được hỗ trợ tài chính.
Trong thư mời gửi tới các nhà lãnh đạo của khối 27 thành viên, Chủ tịch Charles Michel bày tỏ,“Việc đảm bảo thỏa thuận là rất quan trọng đối với uy tín của chúng ta và không kém phần quan trọng đối với cam kết của chúng ta trong việc cung cấp một sự hỗ trợ trước sau như một cho Ukraine”. Tuy nhiên, để mọi việc trôi chảy, kế hoạch viện trợ trên đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của toàn bộ thành viên.
Trước cuộc họp ở Brussels, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cảnh báo, “Vào tháng 12, chúng tôi vẫn còn một ít thời gian. Nhưng từ tháng 3 trở đi, theo các tổ chức tài chính quốc tế, Ukraine sẽ bắt đầu gặp khó khăn”. Quan chức này phát biểu với điều kiện giấu tên theo thông lệ của EU.
Đối với hầu hết các nước EU, việc hỗ trợ Ukraine là rất quan trọng để bảo vệ khối khỏi các mối đe dọa từ Nga và duy trì uy tín của họ trên trường quốc tế. “Ukraine nằm trên đất châu Âu. Đó là một quốc gia châu Âu. Và nếu chúng ta muốn một châu Âu hòa bình và ổn định, chúng ta cần phải đáng tin cậy về an ninh và phòng thủ của chính mình trước tất cả các nước láng giềng”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói như vậy.
Tuy nhiên, là một nhà lãnh đạo EU thường xuyên “đi ngược chiều” với số đông, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần chọc giận các nhà lãnh đạo EU kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022. Ông chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga phần lớn là không hiệu quả và phản tác dụng. Ông cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, mặc dù chưa đề cập chi tiết về điều đó.
Lo ngại về sự thụt lùi dân chủ của chính phủ Thủ tướng Orban, EU đã đóng băng khả năng tiếp cận hàng chục tỷ Euro của Hungary với các quỹ của khối. Trong khi đó, Hungary - với những lo ngại về các vấn đề kinh tế của mình, đã phản ứng bằng cách phủ quyết một số quyết định chính trị của EU.
Thay vì mở khóa viện trợ mới cho Ukraine, Thủ tướng Orban đã đề xuất chia khoản viện trợ này thành các đợt hàng năm và đưa ra cơ chế xem xét. Nhưng ý tưởng đó đã không được đón nhận nồng nhiệt vì cơ chế đó có thể cho phép ông Orban sử dụng quyền ngăn chặn sau này. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của năm 2023, ông Orban đã không ngăn cản EU bắt đầu đàm phán tư cách thành viên với Ukraine.
Nếu tình trạng bế tắc này vẫn tiếp diễn, không có nghĩa Ukraine sẽ bất ngờ bị tước đi sự hỗ trợ của EU. Các nhà ngoại giao EU cho biết, các lãnh đạo khối sẽ đảm bảo rằng, bế tắc hiện tại sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến Kiev.
Nếu không đàm phán được với Hungary, một giải pháp khác được đưa ra là - 26 quốc gia còn lại có thể quyết định, trên cơ sở tự nguyện, tách viện trợ khỏi ngân sách EU. Nhưng đó không phải là lựa chọn được ưa thích, bởi thay vì không phải hỏi ý kiến Budapest, họ lại cần phải có sự chấp thuận của một số nghị viện quốc gia – khả năng sinh ra nhiều bất ổn hơn.
Một kịch bản khác nữa là các nhà lãnh đạo EU gia hạn thêm một năm khoản hỗ trợ tài chính 18 tỷ Euro (19,5 tỷ USD) mà họ đã cung cấp cho Ukraine vào năm 2023 từ một chương trình khác, đồng thời bổ sung thêm các khoản vay bổ sung. Điều đó có thể được thông qua với điều kiện đa số - nghĩa là Hungary không thể ngăn chặn được.
Theo số liệu của EU, sự hỗ trợ của EU cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu đã lên tới khoảng 85 tỷ Euro (92 tỷ USD). Con số này bao gồm hơn 40 tỷ Euro (43 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế Ukraine, khoảng 27 tỷ Euro (29,2 tỷ USD) cho các biện pháp hỗ trợ quân sự và hơn 17 tỷ Euro (18,4 tỷ USD) để giúp các nước thành viên EU hỗ trợ người Ukraine tị nạn.
Cũng với phương châm hỗ trợ hết sức, ủng hộ hết mình, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất gia hạn việc đình chỉ thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với hàng xuất khẩu từ Ukraine sang EU, thêm 1 năm nữa và Kiev hy vọng, quyết định này sẽ được Hội đồng EU thông qua, theo thông tin do Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đăng trên Telegram.
“EC đã đề xuất gia hạn ‘chế độ miễn thị thực kinh tế’ của Ukraine với EU cho đến tháng 6/2025. Điều này có nghĩa là các doanh nhân của chúng tôi sẽ có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm của họ sang thị trường châu Âu mà không cần hạn ngạch, thuế quan”, Thủ tướng Shmyhal viết.
Theo ông, điều này bổ sung thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Ukraine và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của đất nước. Ông Shmyhal nhấn mạnh: “Trong những tháng gần đây, chúng tôi đã kiên trì làm việc với các đối tác châu Âu để biến điều này thành hiện thực”.
Thủ tướng Ukraine cũng lưu ý quan điểm của EC về các công cụ rõ ràng hơn nhằm kiểm soát doanh thu hàng hóa theo cách tránh bất kỳ xung đột tiềm ẩn nào trên thị trường nông sản của khu vực. Ông Shmyhal bày tỏ sự tin tưởng, điều này sẽ cho phép nông nghiệp Ukraine hội nhập vào EU một cách hài hòa hơn.
Tuy nhiên, cùng với đề xuất gia hạn, EU đã gia cố thêm "biện pháp phòng vệ" hạn chế hàng giá rẻ từ Ukraine tràn vào thị trường, gây thiệt hại cho người nông dân của mình. Đây được xem là chiếc "phanh khẩn cấp," sẽ được sử dụng để đảm bảo lượng hàng nhập khẩu từ Ukraine chỉ được phép ở mức trung bình của năm 2022 và 2023.
| Giá vàng hôm nay 31/1/2024: Giá vàng tăng mạnh nhờ nhu cầu 'tìm nơi trú ẩn', vàng miếng SJC cao chưa từng có, còn lên tiếp? Giá vàng hôm nay 31/1/2024 vẫn tăng trong khi thị trường còn chờ cuộc họp chính sách của Fed. Tuy nhiên, sự bất ổn về ... |
| Giá cà phê hôm nay 1/2/2024: Giá cà phê robusta ngắt chuỗi tăng liên tiếp, trong nước giảm; thương mại toàn cầu tăng trở lại Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn, thu hoạch muộn hơn mọi ... |
| Không còn ở chế độ 'phép màu kinh tế', nước Đức liệu có dứt khoát ‘tuyệt tình’ với năng lượng hạt nhân? Đức đã loại bỏ năng lượng hạt nhân gần một năm trước. Và bất chấp việc tiêu tốn hàng tỷ Euro để lưu trữ chất ... |
| Fed đưa phán quyết về lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh một điều 'khó xảy ra' Ngày 31/1, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25-5,5% trong cuộc họp chính sách ... |
| EU đã có cách giải quyết tài sản Nga bị đóng băng, tạo tiền lệ chưa từng có, ‘bước ngoặt’ trong luật pháp quốc tế? Ủy ban của PACE vừa thông qua dự thảo nghị quyết về tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa. |