Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc đua thống trị trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng

Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ từng nhận định rằng, Bắc Kinh đang vượt mặt Washington trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng liệu nhận định đó có chính xác?
Cuộc đua thống trị mảng trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một nóng lên. (Nguồn: The Conversation)
Cuộc đua thống trị mảng trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một nóng lên. (Nguồn: The Conversation)

Tháng Chín vừa qua, ông Nicolas Chaillan, giám đốc phần mềm đầu tiên của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Mỹ đột ngột từ chức. Trả lời phỏng vấn Financial Times, ông Chaillan nói rằng, ông rời khỏi chức vụ quan trọng này để phản ứng với tốc độ chuyển đổi công nghệ chậm chạp trong quân đội Mỹ, và vì ông không thể cứ ngồi đó mà chứng kiến Trung Quốc vượt Mỹ về công nghệ.

“Mỹ không có cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc trong 15-20 năm nữa. Ngay bây giờ, cuộc đua AI đã ngã ngũ. Nó đã kết thúc, theo quan điểm của tôi”, ông Chaillan cho biết.

Những bước tiến của Trung Quốc

Kể từ khi Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc bắt đầu hình thành “làn sóng đầu tiên” AI vào những năm 1960, Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong áp dụng công nghệ này.

Trong năm thập niên tiếp theo, AI chuyển từ máy móc chuyên thực hiện quy tắc do con người lập trình sang làn sóng thứ hai về thống kê và bây giờ làn sóng thứ ba đang đưa đến những cỗ máy thông minh có khả năng hiểu và suy luận theo ngữ cảnh.

“Mỹ không có cơ hội cạnh tranh với Trung Quốc trong 15-20 năm nữa. Ngay bây giờ, cuộc đua AI đã ngã ngũ. Nó đã kết thúc, theo quan điểm của tôi”- nguyên Giám đốc phần mềm của Lực lượng Không quân và Vũ trụ Mỹ Nicolas Chaillan.

Thế nhưng, theo Newsweek, nền kinh tế của Trung Quốc không chỉ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các nước lớn, Bắc Kinh còn có khả năng dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào sản xuất, y tế và giao thông, thậm chí là đi trước phương Tây trong các công nghệ mới quan trọng.

Cụ thể, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng 10 triệu trạm phát sóng 5G vào năm 2024, với mục tiêu cung cấp mạng Internet di động tốc độ cao và có nhiều ứng dụng hiện đại cho toàn bộ đất nước.

Trong năm qua, nước này đã triển khai một số công nghệ mới nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trung Quốc đã sử dụng AI kết hợp với cơ sở dữ liệu tập trung để theo dõi công dân và du khách trên thời gian thực, từ đó xác định và dự báo các điểm nóng dịch bệnh nhằm đưa ra những hướng dẫn y tế kịp thời để phòng ngừa, không để virus lây lan rộng rãi.

Kai-Fu Lee, cựu giám đốc điều hành (CEO) Google tại Trung Quốc, là chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu nước này đánh giá, đà phục hồi của Trung Quốc sau đợt dịch Covid-19 đầu năm ngoái có phần nhờ sự đầu tư mạnh tay cho công nghệ AI. Có thể nói, Covid-19 đã tiếp thêm động lực để Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Mỹ có thực sự “bước hụt”?

Tờ Vox nhận định, ngày càng nhiều lãnh đạo ở Washington và doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon lo lắng rằng, Mỹ sẽ tụt lại phía sau trong cuộc đua về AI. Đầu năm 2021, Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI do cựu CEO Google Eric Schmidt điều hành, cũng tuyên bố rằng Trung Quốc có nhiều lợi thế vượt qua Mỹ để trở thành “siêu cường AI” của thế giới.

Tuy nhiên, Mỹ hiện giữ quan điểm rằng, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển AI mà không màng đến những vấn đề đạo đức sau đó. Trong bài phỏng vấn với Financial Times, ông Chaillan cũng khẳng định, Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào AI mà không phải lấn cấn gì với vấn đề đạo đức như ở Mỹ.

Trong khi đó, trả lời Breaking Defense, Giám đốc thông tin lục quân Mỹ Raj Iyer cho rằng Trung Quốc có năng lực trong lĩnh vực AI, phần lớn là do họ sẵn sàng áp dụng công nghệ đó trên người dân nước này. Đồng thời, ông Iyer cũng khẳng định, Trung Quốc dựa vào các phương pháp bất chính và các cuộc tấn công mạng để có thể tiếp cận công nghệ mới. Do vậy, ông tin rằng, Mỹ mới là quốc gia có công nghệ AI tốt nhất hiện nay.

Tin liên quan
Trung Quốc đưa ra hướng dẫn về đạo đức cho AI, đảm bảo trí tuệ nhân tạo trong tầm kiểm soát Trung Quốc đưa ra hướng dẫn về đạo đức cho AI, đảm bảo trí tuệ nhân tạo trong tầm kiểm soát

Theo giới quan sát, cuộc đua thống trị AI có thể là cuộc cạnh tranh để ứng dụng công nghệ này vào các mục đích quân sự. Đây cũng là một lĩnh vực tiêu biểu trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, giống như cách vũ khí hạt nhân từng định nghĩa cuộc Chiến tranh Lạnh vào thế kỷ trước.

Trước đó, Sputnik dẫn một báo cáo của tổ chức RAND dự đoán, năng lực AI của Nga và Trung Quốc cộng lại có thể sẽ tiếp cận, nhưng không thể vượt qua được Mỹ cho tới cuối năm nay. Có nghĩa, dù có tham vọng to lớn, Trung Quốc vẫn khó vượt Mỹ trong công nghệ này.

Nhưng không phải vì thế mà Washington có thể ung dung. Thực tế nguy hiểm mà ông Chaillan đưa ra chính là một “hồi chuông cảnh tỉnh” dành cho Mỹ, buộc nước này phải có động thái mới, quyết liệt hơn để tiếp tục duy trì vị thế của mình.

Dường như vì vậy, tháng Bảy vừa qua, tại một hội nghị do Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI tổ chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, Washington sẽ chi gần 1,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển AI trong năm năm tới.

“Trong lĩnh vực AI, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng tôi hiểu rằng, Trung Quốc là thách thức của chúng tôi về mặt tốc độ. Chúng tôi sẽ cạnh tranh để giành chiến thắng, nhưng sẽ làm điều đó một cách đúng đắn... Sử dụng AI phải có trách nhiệm, công bằng, có thể truy vết, đáng tin cậy và có thể kiểm soát được”, ông Austin lưu ý.

Trung Quốc đưa ra hướng dẫn về đạo đức cho AI, đảm bảo trí tuệ nhân tạo trong tầm kiểm soát

Trung Quốc đưa ra hướng dẫn về đạo đức cho AI, đảm bảo trí tuệ nhân tạo trong tầm kiểm soát

South China Morning Post ngày 3/10 đưa tin, Trung Quốc đã công bố bộ hướng dẫn đạo đức đầu tiên cho trí tuệ nhân tạo ...

Cuộc đua sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Cuộc đua sản xuất thuốc điều trị Covid-19

Các công ty dược phẩm trên thế giới đang tiến vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc điều trị Covid-19 và hướng ...

(theo Vox)