Màn hình lớn truyền hình sự kiện ông Tập phát biểu tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg) |
Sứ mệnh lịch sử của Thâm Quyến
Trong chuyến công tác đến khu vực miền Nam, sau khi khảo sát tỉnh Quảng Đông trong khoảng hai ngày, ông Tập đã tới dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đã đề cập sứ mệnh lịch sử mà Trung Quốc trao cho Thâm Quyến trong thời đại mới với 6 điểm chủ chốt.
Thứ nhất, kiên trì quán triệt khái niệm phát triển mới. Thứ hai, thúc đẩy cải cách sâu rộng tiến cùng thời đại. Thứ ba, quyết tâm mở cửa toàn diện. Thứ tư, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đô thị với tinh thần đổi mới sáng tạo. Thứ năm, nỗ lực thực hiện tư tưởng phát triển lấy con người làm trung tâm. Thứ sáu, tích cực hành động thúc đẩy xây dựng Khu vực Vịnh lớn (Great Bay) kết nối Quảng Đông, khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macao.
Khi nói về khái niệm phát triển mới, ông Tập Cận Bình đã tiết lộ loại "vũ khí" quan trọng mà Trung Quốc cần mài giũa để chống lại cuộc chiến khoa học công nghệ của Mỹ, đó là phát triển công nghệ nền tảng. Ông Tập Cận Bình mong muốn Thâm Quyến sẽ phát huy vai trò quan trọng hơn trên phương diện phát triển khoa học công nghệ quốc gia, phải xây dựng thành căn cứ tầm cao về khoa học công nghệ của các ngành nghề sáng tạo có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Về bước đi cụ thể, ông Tập đề xuất bố trí chuỗi sáng tạo xung quanh chuỗi ngành nghề, bố trí chuỗi ngành nghề xung quanh chuỗi sáng tạo, bố trí các ngành nghề mới nổi mang tính chiến lược, bồi dưỡng phát triển các ngành nghề tương lai, phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Trung Quốc, Thâm Quyến cần phải tăng cường đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản mang tính ứng dụng, phát huy ưu thế về hội nhập sâu rộng giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục và sản xuất, chủ động hội nhập vào mạng lưới sáng tạo toàn cầu.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng yêu cầu phải đối chiếu chuẩn với các tiêu chuẩn hàng đầu của thế giới (Benchmarking), ra sức phát triển các ngành dịch vụ hiện đại như tài chính, nghiên cứu và phát triển, thiết kế, kế toán, luật, hội chợ triển lãm…, tăng cường sức cạnh tranh của ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần thực thi chính sách nhân tài thông thoáng hơn, thu hút và bồi dưỡng đội ngũ nhân tài khoa học công nghệ chiến lược trình độ quốc tế, cán bộ lãnh đạo khoa học công nghệ, nhân tài khoa học công nghệ trẻ và ê kíp sáng tạo trình độ cao, tập hợp và sử dụng nhân tài khắp thế giới.
Trước đó, THX đưa tin, khi khảo sát tập đoàn Tam Hoàn ở Triều Châu nhằm tìm hiểu tình hình phát triển công nghệ then chốt của doanh nghiệp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "doanh nghiệp phải phát triển, ngành nghề phải nâng cấp, kinh tế phải phát triển theo hướng chất lượng cao, đều phải dựa vào tự chủ sáng tạo. Hiện nay, Trung Quốc đang trải qua cục diện lớn trăm năm chưa trừng có, phải đi theo con đường tự lực cánh sinh với trình độ cao hơn".
Tự lực cánh sinh
Theo Economic Journal, trong bối cảnh cuộc chiến khoa học công nghệ Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, Mỹ không ngừng leo thang phong tỏa khoa học công nghệ đối với Trung Quốc, việc ông Tập Cận Bình yêu cầu phải tự lực cánh sinh, phát triển công nghệ nền tảng là nhằm phát đi tín hiệu Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa vận dụng thể chế, tấn công vào lĩnh vực khoa học công nghệ nền tảng nhằm thoát khỏi sự bao vây của Mỹ.
Một loại "vũ khí" quan trọng khác để chống Mỹ cũng được ông Tập đề cập khi nói về việc thúc đẩy mở cửa hơn nữa. Ở phần này, ông Tập nhấn mạnh tới "tuần hoàn hai quỹ đạo", cho rằng "cục diện phát triển mới không phải là tuần hoàn trong nước khép kín, mà là tuần hoàn hai quỹ đạo mở cửa cả ở trong nước và đối với quốc tế".
Ông Tập Cận Bình chỉ rõ cần phải tối ưu hóa và nâng cấp hệ thống sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ kinh tế đối nội, cải thiện chiều sâu kinh tế, tăng cường chức năng tuần hoàn hai quỹ đạo giữa quỹ đạo tuần hoàn trong nước trơn tru và liên thông với quỹ đạo tuần hoàn quốc tế, tăng tốc thúc đẩy mở cửa về quy định và tiêu chuẩn, đi đầu trong việc xây dựng thể chế kinh tế mới ở mức độ cao hơn.
Ông Tập cũng cho rằng, cần tìm hiểu các hệ thống chính sách linh hoạt hơn trong thương mại nội địa và quốc tế, đầu tư và tài chính, tài khóa và thuế, đổi mới tài chính, xuất nhập cảnh, tăng cường hợp tác thiết thực nhiều tầng nấc, nhiều lĩnh vực với các quốc gia và khu vực dọc Vành đai và Con đường (BRI).
Theo phân tích của Bloomberg, việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc tự lực cánh sinh và "tuần hoàn hai quỹ đạo" cho thấy Trung Quốc đang hướng tới việc tập trung kích thích nhu cầu trong nước để đối phó với rủi ro tách rời Mỹ-Trung. Trong đó, "tuần hoàn trong nước" sẽ đóng vai trò chính trong "tuần hoàn hai quỹ đạo".