📞

Chủ tịch Trung Quốc thăm Trung Á: Thiên thời, địa lợi…

17:45 | 19/12/2009
“Đường ống dẫn khí thế kỷ" nối liền Trung Quốc với khu vực Trung Á được khánh thành nhân chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Kazakhstan và Turkmenistan (12-14/12) đã chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực giàu năng lượng này.

Con đường tơ lụa mới

Cùng tham dự với ông Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Turkmenistan Berdymukhamedov trong lễ khánh thành diễn ra ở thủ đô Ashkhabad (Turkmenistan) còn có Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev và Tổng thống Uzbekistan Karimov. Là những nước láng giềng luôn "bằng mặt nhưng không bằng lòng", việc lãnh đạo những nước này tề tựu đông đủ đã cho thấy uy thế ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nazarbayev nói: "Việc khánh thành đường ống dẫn khí đốt này cũng giống như việc khôi phục lại Con đường Tơ lụa cổ xưa. Đường ống này sẽ có lợi cho tất cả các nước chúng ta. Đây là một dự án chiến lược đầy hứa hẹn".

Trung Á là khu vực có nguồn khí tự nhiên dồi dào nhưng không có nhiều kênh xuất khẩu, mà chỉ phụ thuộc vào một tuyến đường ống vận chuyển chính đi qua Nga sang châu Âu. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhu cầu năng lượng từ châu Âu giảm, nên khu vực này hướng sang phía Đông tìm nguồn xuất khẩu mới. Trong khi đó, Trung Quốc với nguồn tài chính dồi dào cùng vị trí địa lý thuận lợi nổi lên như một khách hàng ổn định và tiềm năng. Các chuyên gia cho rằng tuyến đường ống này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách giàu nghèo lớn ở Trung Á đã tạo điều kiện cho sự phát triển của "Chủ nghĩa khủng bố, ly khai và cực đoan". Đường ống mới do đó sẽ đem lại nguồn thu ổn định và nhiều cơ hội việc làm, một giải pháp cơ bản cho các vấn đề hiện tại và giải quyết tận gốc nguyên nhân của ba vấn nạn trên.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đường ống dẫn khí từ Turkmenistan đến Trung Quốc là một thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt đối với Bắc Kinh. Khi hoạt động hết công suất (kể từ năm 2012-2013), Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) có thể nhập lượng khí đốt lên tới 40 tỷ m3/năm, đáp ứng phần lớn nhu cầu của quốc gia đang đói năng lượng này. Do là con đường quan trọng đầu tiên, đưa khí đốt của Trung Á đến Trung Quốc, đường ống dẫn khí đốt này được xem là kết quả nổi bật nhất của những hoạt động ngoại giao kín đáo mà Bắc Kinh đã tiến hành từ nhiều năm qua tại khu vực Trung Á.

Trâu chậm uống nước… trong

Mặc dù báo chí Trung Quốc cho rằng việc khánh thành đường ống khí đốt thế kỷ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có cả việc thực hiện vận chuyển khí tự nhiên được sản xuất tại Tây Siberia (thuộc Nga). Hợp tác này là mở và không độc quyền, cũng không cạnh tranh hay chiếm đoạt thị trường của Nga. Thủ tướng Nga Vladimir Putin mới đây cũng nói rằng Nga không lo ngại về sự xuất hiện của đường ống dẫn khí mới. Trong 9 năm làm lãnh đạo Nga (trong đó có 8 năm làm Tổng thống), ông Putin đã cố gắng tái lập vị trí nước lớn của Nga, trong đó có vai trò là nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất thế giới dựa trên sự độc quyền đối với đường ống dẫn khí từ các nước Trung Á. Tuy nhiên, thế độc quyền đó đã bị Trung Quốc phá vỡ.

Không chỉ có vậy, đường ống mới được khánh thành cũng có nghĩa là Trung Quốc đã "thắng" cả Mỹ và châu Âu trong chiến dịch khí tự nhiên này. Mỹ và châu Âu trong nhiều năm qua đã tìm cách xây dựng tuyến đường ống vận chuyển khí từ Turkmenistan sang phương Tây mà không đi qua Nga. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính khiến Nga cạn tiền, còn chính sách của Mỹ và châu Âu lúc ve vãn, lúc chỉ trích các vấn đề nhân quyền tại các nước Trung Á khiến các kế hoạch thất bại. Trong khi đó, vào tháng 6/2009, Bắc Kinh cam kết sẽ cấp khoản tín dụng 10 tỷ USD cho Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), để đối phó với các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc còn cấp 10 tỷ USD tín dụng cho Kazakhstan, quốc gia giàu về dầu mỏ và urani, đồng thời cũng đầu tư vào nhiều dự án xây dựng trên cả vùng Trung Á.

Dù là "người đến sau" nhưng sự lựa chọn chuẩn xác thời điểm để tung ra nhưng liều doping tiền hợp lý đã giúp Trung Quốc có được vị thế gần như tương đương với người láng giềng khổng lồ là Nga vốn đứng chân tại Trung Á gần một thế kỷ qua. Điều đáng nói là ngay cả Nga cũng không có lý do nào để phản đổi sự cạnh tranh lành mạnh này và người Trung Quốc đưa ra thêm một dẫn chứng nữa cho sức trỗi dậy mạnh mẽ của họ một cách hòa bình và khôn khéo.

Kim Đình

Đường ống dẫn khí thế kỷ có chiều dài 7.000 km, trong đó 1.800 km đầu tiên đi qua các nước Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan, nối vào đoạn hơn 5.000 km còn lại nằm ở Tân Cương (Trung Quốc). Trước khi toàn bộ đường ống hoàn tất vào năm 2013, tuyến đường này sẽ vận chuyển cho Trung Quốc khoảng 13 tỷ m3 vào năm 2010.