📞

Chủ tịch Ủy ban IMF: Minh bạch thông tin về chính sách tiền tệ giúp tránh biến động thái quá của thị trường

15:58 | 15/10/2022
Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế của IMF, việc thông tin rõ ràng về chính sách cũng như đảm bảo tính độc lập của ngân hàng trung ương là hết sức cần thiết để có thể giúp tránh những biến động thái quá của thị trường.
Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế của IMF, việc thông tin rõ ràng về chính sách cũng như đảm bảo tính độc lập của ngân hàng trung ương là hết sức cần thiết để có thể giúp tránh những biến động thái quá của thị trường. (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế và số hóa Tây Ban Nha, bà Nadia Calvino cho rằng trong bối cảnh tỷ giá hối đoái ngày càng bấp bênh do nhiều ngân hàng trung ương đang chạy đua tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, việc cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phát biểu tại cuộc họp tại Washington (Mỹ) khi đánh giá chính sách tiền tệ nói chung hiện nay, bà Calvino nêu rõ từ đầu năm đến nay, tỷ giá hối đoái nhiều đồng tiền đã liên tục dao động và ngày càng trở nên "bấp bênh".

Quan chức IMF nhấn mạnh, chống lạm phát là một ưu tiên và các ngân hàng trung ương cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đảm bảo bình ổn giá. Trong toàn bộ quá trình này, việc thông tin rõ ràng về chính sách cũng như đảm bảo tính độc lập của ngân hàng trung ương là hết sức cần thiết để có thể giúp tránh những biến động thái quá của thị trường, hạn chế tác động tiêu cực xuyên biên giới và duy trì độ tin cậy của chính sách.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki kêu gọi cộng đồng quốc tế “theo dõi sát” tác động của những đợt biến động tỷ giá hối đoái gần đây tới lạm phát, dòng vốn và nợ, đồng thời giải quyết các vấn đề này “một cách phù hợp”.

Lưu ý rằng “về nguyên tắc”, tỷ giá hối đoái cần phải do thị trường quyết định, Bộ trưởng Suzuki nhấn mạnh “sự bấp bênh thái quá hoặc các chuyển động hỗn loạn của tỷ giá hối đoái có thể gây tác động ngược đến sự ổn định kinh tế và tài chính”.

Đồng USD đã tăng lên mức giá cao nhất so với các đồng tiền khác sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) siết chặt tiền tệ. Đồng USD mạnh giúp giảm lạm phát của Mỹ nhờ giảm giá nhập khẩu hàng hóa, song lại ảnh hưởng đến các nước đang phát triển khi đẩy chi phí nhập khẩu lên cao và làm gia tăng gánh nặng của các khoản nợ bằng đồng USD.

(theo TTXVN, Reuters)