📞

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thành công của VBS 2020 và ASEAN-BIS sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam

Hoàng Linh 14:53 | 10/11/2020
TGVN. Thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2020 sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm giao kết quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Chia sẻ với TG&VN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) và Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BIS), doanh nghiệp sẽ được chia sẻ về những bài học thực tiễn tốt nhất, được giới thiệu những công nghệ mới, xu thế mới và các chiến lược, giải pháp tốt nhất để có thể vượt qua những thách thức đang phải đối mặt.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Nguồn: Cafef)

Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức Hội nghị VBS và tầm ảnh hưởng đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và ASEAN?

Hội nghị VBS lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 như một sáng kiến của Việt Nam nhằm quảng bá thương mại và đầu tư với các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) và kể từ đó đến nay đã trở thành Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên lớn nhất trong năm của Việt Nam.

VBS không chỉ thành công trong việc xúc tiến giới thiệu chính sách đổi mới, hỗ trợ các địa phương quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư mà còn là diễn đàn hiệu quả để các nhà hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày một thông thoáng, minh bạch hơn.

Thành công của VBS sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm giao kết quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Vì sao “Việt Nam số hoá - Chủ động thích ứng tới phát triển bền vững” lại được lựa chọn làm chủ đề cho Hội nghị VBS năm nay? Hội nghị sẽ tập trung hướng đến những nội dung gì?

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Theo đó, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam cũng như ASEAN đang gặp những khó khăn và thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nhìn nhận và đánh giá lại cách thức kinh doanh cũ, ứng dụng công nghệ và mạng Internet nhằm chuyển đổi mô hình kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và chi phí, mở rộng tiếp cận thị trường, giúp người lao động có thể làm việc từ xa, tránh các tiếp xúc trực tiếp không thật cần thiết, qua đó vượt qua giai đoạn khó khăn hậu Covid-19, để tồn tại và phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Trên tinh thần đó, VCCI lựa chọn chủ đề này cho VBS để thể hiện tinh thần chủ động thích ứng, vượt qua thách thức, khó khăn của thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng sự đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến đáng tin cậy của đầu tư và thương mại thế giới để phát triển bền vững.

VBS 2020 được tổ chức ngày 12/11, tập trung vào 3 nội dung chính: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Phát triển dịch vụ Hậu cần Thông minh; và Hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tại VBS 2020, VCCI đã mời lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và các lãnh đạo các tỉnh, thành phố đến tham dự. Sự kiện hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại và đầu tư tại Việt Nam và giới thiệu Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu cho FDI.

VBS 2020 còn là cơ hội trao đổi kiến thức, thông tin, nêu cao tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tiếp nhận yêu cầu và tìm hiểu sâu hơn nhu cầu từ các nhà đầu tư. Kết quả chính của VBS 2020 sẽ được báo cáo lên Chính phủ xem xét nghiêm túc và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngay sau VBS sẽ là ASEAN BIS 2020, với 4 chủ đề được lựa chọn, Hội nghị sẽ mở ra những cơ hội gì cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp trong cộng đồng ASEAN?

Hội nghị ASEAN-BIS là diễn đàn thường niên hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, nơi hội tụ các lãnh đạo cấp cao, các nhà hoạch định, tư vấn chính sách và các doanh nghiệp hàng đầu của khu vực. Đây là một diễn đàn đặc biệt, nơi các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ ASEAN và các nước đối tác cùng thảo luận với khu vực tư nhân về tương lai của khu vực.

Năm nay, sau 10 năm Việt Nam một lần nữa vinh dự tổ chức Hội nghị ASEAN-BIS. Trong bối cảnh người dân và các nền kinh tế ASEAN đã và đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tác động của đại dịch Covid-19, đây sẽ là một sự kiện then chốt vào thời điểm quan trọng, là nơi khu vực công và tư có thể tụ hội, phối hợp với nhau và xác định cách thức để vượt qua đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng bền vững bao trùm trong khu vực.

Hội nghị ASEAN BIS 2020 sẽ được VCCI tổ chức liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào ngày 13/11 tại Hà Nội, để thảo luận về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư và khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid-19 và nhiều thách thức khác đối với khu vực.

Hội nghị sẽ bàn về 4 chủ đề gồm: Triển vọng kinh tế ASEAN; Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; Phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm và Xu hướng đầu tư đảm bảo yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt (ESG)

Ông có thể nói rõ thêm về chủ đề chính của Hội nghị ASEAN BIS năm nay!

ASEAN BIS 2020 sẽ được tổ chức với chủ đề chính “ASEAN kỹ thuật số: Bền vững và bao trùm” nhằm thảo luận về tầm quan trọng của số hóa trong việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để chống lại suy thoái và dịch bệnh.

Đại biểu tham dự ASEAN BIS 2020 sẽ có cơ hội lắng nghe quan điểm và định hướng từ các diễn giả bao gồm các Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của các nước ASEAN và các đối tác Đối thoại của ASEAN… và những lãnh đạo tập đoàn và tổ chức quốc tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Hội nghị cũng sẽ chứng kiến Lễ trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 và có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của ASEAN.

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của Đại dịch Covid-19, lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức theo hình thức lưỡng thể trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tuy nhiên, đây là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng nhau thảo luận về cách thức phát triển toàn diện và bền vững nhằm chống suy thoái kinh tế và đói nghèo trong khu vực.

Là hai sự kiện quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp bên cạnh các sự kiện của Hội nghị Cấp cao ASEAN, ông kỳ vọng đạt được những gì sau hai hội nghị này?

VBS và ASEAN BIS năm nay rất đặc biệt khi có cơ hội tuyệt vời là được tổ chức liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. Hai Hội nghị này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm và tham dự của các Nguyên thủ và những người đứng đầu chính phủ ASEAN và các nước đối thoại cũng như nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của ASEAN và thế giới.

Vì vậy, tham gia Hội nghị VBS và ABIS sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận với những thông tin cập nhật, những xu hướng đang được ưu tiên, những công nghệ tiên tiến, các giải pháp chuyển đổi số để có thể tạo được lợi thế cạnh tranh và phát triển.

Tham dự Hội nghị cũng giúp các doanh nghiệp nắm được những vấn đề toàn cầu quan trọng, được chia sẻ về những bài học thực tiễn tốt nhất, được giới thiệu những công nghệ mới, xu thế mới và các chiến lược, giải pháp tốt nhất để có thể vượt qua những thách thức mà các doanh nghiệp trong khu vực đang phải đối mặt.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)