📞

Chưa vận hành siêu phẩm Armata T-14, Nga lại nóng lòng phát triển siêu xe tăng mới?

Trường Sơn 05:30 | 30/08/2020
TGVN. Một lần nữa nước Nga làm cho thế giới kinh ngạc về khả năng sáng chế khi trình làng mô hình xe tăng hai cabin độc đáo, hứa hẹn sẽ là đại diện tiêu biểu cho 'thế hệ xe tăng thiên niên kỷ thứ ba'.
Dự kiến mẫu siêu tăng này sẽ đưa vào vận hành sau 20 năm. (Nguồn: Top War)

Có thể thay thế siêu tăng Armata T-14?

Mặc dù T-14 vẫn chưa được đưa vào sử dụng, các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng đã bắt đầu phát triển sản phẩm kế nhiệm. Trong khuôn khổ diễn đàn Army-2020, Đại tá Yevgeny Gubanov, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thử nghiệm Vũ khí và Thiết bị thiết giáp 38 (Viện 38) cho biết, mẫu xe tăng 2 cabin này có thể coi là bước tiến mới thay thế cho siêu tăng Armata T-14 trong tương lai.

Theo dự án được trình bày tại diễn đàn, mẫu xe tăng này bao gồm hai cabin liên kết với nhau bằng khớp nối chứa vũ khí tự động. Cabine phía trước dự kiến dùng làm khoang điều khiển bọc thép, chứa được tổ lái gồm 3 người làm nhiệm vụ chiến đấu. Ở phần giữa liên kết hai cabin chiến đấu, dự kiến ​​sẽ đặt một tháp khẩu pháo điện hóa với một bộ nạp tự động. Liên kết thứ hai chứa một động cơ turbine khí đa nhiên liệu công suất 3.000 mã lực giúp xe tăng có tốc độ và khả năng cơ động lớn hơn. Cabin này còn có ngăn chứa súng trường cơ giới và một ngăn chứa các loại đạn pháo, bên trong trang bị nhiều máy bay không người lái UAV làm nhiệm vụ trinh sát và rà mìn. Bên cạnh đó, trong carbin còn lắp đặt thêm một máy điện tự động vũ khí cũng trang bị tên lửa đạn đạo.

Với những nghiên cứu trên, quân đội Nga rõ ràng muốn tận dụng hết uy lực của vũ khí thông qua phương tiện mới. Mẫu xe tăng mới này cũng được trang bị vũ khí siêu thanh tối tân. Ngoài vũ khí cải tiến, có thể kể đến tổ hợp bảo vệ chủ động, hệ thống laser làm mù kẻ thù và máy phát xung điện từ tích hợp trên xe tăng 2 cabin. Tổ hợp vũ khí này sẽ tăng thêm sức mạnh cho khoang điều khiển, có thể tấn công mục tiêu trực diện bằng tên lửa ở khoảng cách lên đến 12km. Hiệu quả cao của việc sử dụng xe tăng trong trận chiến được đảm bảo nhờ vào "áo giáp trong suốt", tức là, hệ thống cảm biến bao bọc xung quanh của xe tăng. Điều này sẽ cung cấp cho tổ lái thông tin chi tiết những gì đang xảy ra xung quanh.

Kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang mới?

Dự kiến mẫu xe tăng độc đáo này sẽ được vận hành vào năm 2040, gần thời điểm các nước phương Tây muốn đưa vào vận hành xe tăng MGCS đầy hứa hẹn (hay còn gọi là hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực).

Không giống Nga, các kỹ sư Đức và Pháp chọn lối thiết kế có phần “bảo thủ” hơn khi phát triển ý tưởng từ những chiếc Leclerc và Leopard 2.

Bản vẽ ý tưởng về một mẫu siêu tăng hai cabin liên kết trong tương lai. (Nguồn: Top War)

Mỗi nước sẽ có những kế hoạch phát triển xe tăng khác nhau, đặc biệt chú trọng vào việc gia tăng sức mạnh của vũ khí. Cụ thể, xe tăng Rheinmetall của Đức hiện đang thử nghiệm khẩu pháo nòng trơn 130mm dựa theo mẫu Challenger 2 của Anh. Trong khi đó, dòng Nexter của Pháp thử nghiệm khẩu pháo 140mm dựa trên phiên bản Leclerc.

Người Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc đua khi đầu tư cho chiếc Abrams nổi tiếng. Mặc dù có tuổi đời cao, nhưng những chiếc xe tăng này sẽ phục vụ quân Mỹ ít nhất cho đến năm 2030. Các quốc gia khác như Trung Quốc vẫn phát triển và vận hành hơn 1.500 chiếc tăng chủ lực ZIZ-96B, quân đội Israel đang nghiên cứu thế hệ thứ 5 của chiếc Merkava trang bị Hệ thống bảo vệ chủ động Trophy (APS).

Chính vì vậy, đến nay vẫn chưa có ý kiến nào cho rằng việc phát triển xe tăng là chiến lược quân sự “cổ hủ”. Xe tăng đã và vẫn là vũ khí cả tấn công lẫn phòng thủ. Chúng hỗ trợ binh đoàn bộ binh, hoạt động như một boongke bọc thép chắc chắn và oanh tạc đội phương ở mọi cự li tác chiến.

"Bình" vẫn cũ nhưng "rượu" thì mới

Thiết kế phương tiện gồm hai cabin liên kết thật sự không quá xa lạ đối với nền quân sự Nga - Xô. Quay ngược trở về những năm 80 của thế kỷ trước, Liên Xô đã bắt đầu sản xuất phương tiện bánh xích hai liên kết DT-10 "Vityaz", được thiết kế để vận chuyển hàng hóa trong điều kiện khí hậu khó khăn ví dụ như ở vùng Viễn Bắc. Đầu từ những năm 70, Thụy Điển cũng đã phát triển xe tăng hạng nhẹ UDES XX 20 với thiết kế hai phần, nặng 26 tấn, trang bị pháo 120mm L/44, chứa được tổ lái 3 người.

Nga kế thừa từ Liên Xô một đội xe bọc thép khổng lồ gần 22.000 chiếc. Phần lớn chúng đang được lưu trữ và trong quá trình tích cực hiện đại hóa sâu như dòng T-90, T-90A, T-90M, T-80, T-72... Trong đó siêu tăng hiện đại nhất T-14 Armata vừa là niềm tự hào vừa là nỗi đau đầu của Bộ Quốc phòng Nga, bởi đây là loại xe tăng có kỹ thuật rất tiên tiến có một không hai trên thế giới.

Trong xu thế phát triển của tương lai, các nhà khoa học cho rằng khai thác tiềm năng xe tăng sẽ ít phụ thuộc vào cấu hình thiết kế, thay vào đó sẽ tập trung nhiều vào công nghệ AI và các hệ thống điện tử tự động khác. Cùng với vũ khí trang bị mạnh hơn và một tổ hợp bảo vệ nhạy bén, một phương tiện như vậy có thể nhanh chóng giành được nhiều lợi thế so với lực lượng của địch.

Một vấn đề khác liên quan đến tính cơ động của một phương tiện chiến đấu hai đầu. Rõ ràng, trong điều kiện khắc nghiệt, thiết kế 2 cabin giúp cho xe tăng hoạt động hiệu quả. Thế nhưng việc sử dụng một phương tiền “cồng kềnh” như vậy trong điều kiện đô thị sẽ giảm thiểu đáng kể khả năng cơ động vốn có của nó.

Hơn nữa, trong một trận chiến nếu các cabin hoặc khớp nối giữa bị phá vỡ, đồng nghĩa với việc mất hoặc tê liệt không chỉ một mà cả hệ thống chiến đấu. Bên cạnh đó, vì thiết kế gồm hai phần nên khối lượng sẽ tăng lên đáng kể cũng trở thành một điểm đáng lưu tâm của dòng xe tăng hai cabin này.

(theo Top War)