📞

Chứng khoán Phố Wall đồng loạt giảm điểm sau cuộc họp của Fed

10:00 | 02/05/2019
Thị trường chứng khoán Phố Wall đều đi xuống trong phiên ngày 1/5 sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) Jerome Powell không đề cao khả năng ngân hàng trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, sau khi ở trong vùng tăng điểm hầu hết phiên, chỉ số S&P 500 đã giảm điểm khá mạnh sau tuyên bố của Fed. Chỉ số này dứt chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, giảm 0,8% và khép phiên ở mức 2.923,73 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 26.430,14 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lùi 0,6% và đóng cửa ở mức 8.049,64 điểm.

Phiên này các thị trường châu Âu hầu hết nghỉ lễ, riêng thị trường London (Vương quốc Anh) vẫn giao dịch và chỉ số FTSE 100 tại đây giảm 0,4% xuống 7.385,26 điểm.

Trước đó, vào chiều cùng ngày, sau khi kết thúc cuộc họp trong hai ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5% và ngụ ý rằng, cơ quan này có lẽ sẽ không thể tăng hay giảm lãi suất trong thời gian tới trước những tín hiệu về sự hồi phục “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới, song tỷ lệ lạm phát trong nước lại thấp một cách bất thường.

Chứng khoán Phố Wall đồng loạt giảm điểm sau cuộc họp của Fed. (Nguồn: Getty)

Thông báo của Fed cho hay, tỷ lệ lạm phát trong nước vẫn chưa tăng lên được mức mục tiêu 2%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm đang ở mức khoảng 1,5%. Thông báo này có thể làm dấy lên những dự đoán về lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo của Fed với khả năng sẽ là cắt giảm lãi suất, cho dù động thái này diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào.

Tuy vậy, tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã từ chối đưa ra “manh mối” về bất kỳ động thái cắt giảm lãi suất nào có thể diễn ra trong thời gian tới. Ông Powell cho rằng, tỷ lệ lạm phát quá thấp hiện nay của Mỹ có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn hay không thể hiện đầy đủ về tình trạng giá cả gia tăng trong thực tế.

Trước đó, theo báo cáo công bố ngày 29/4 của Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng ở nước này trong tháng Ba tăng mạnh nhất trong chín năm rưỡi. Chi tiêu tiêu dùng, đóng góp trên 2/3 hoạt động của nền kinh tế Mỹ, tăng 0,9% trong tháng 3, khi các gia đình mua xe có động cơ nhiều hơn và tăng chi cho dịch vụ y tế, cao hơn dự báo trước đó. Trong tháng 2, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,1% còn số liệu của tháng 1 được điều chỉnh từ mức tăng 0,1% lên 0,3%.

Nếu điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,7% trong tháng 3, trong khi không thay đổi trong tháng 2. Số liệu này được tính đến trong báo cáo về GDP quý I/2019 vừa được công bố. Việc chi tiêu tiêu dùng thực tế tăng mạnh trong tháng 3 cho thấy có thể có sự gia tăng trong quý II/2019. Chi tiêu tiêu dùng trong quý I/2019 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Chính phủ Mỹ công bố số liệu thống kê cho thấy, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,2% trong quý I/2019, số liệu tốt nhất của quý I trong 4 năm qua và cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 1% đưa ra hồi đầu năm.

Trang tin chuyên về dịch vụ phân tích tài chính Briefing.com nói rằng, ông Powell đã hạ thấp nhu cầu giải quyết tình trạng lạm phát yếu ớt thông qua việc thay đổi chính sách, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất, vì ông cho rằng, sự giảm tốc gần đây của lạm phát là do các yếu tố nhất thời. Briefing.com cho rằng, điều này đã thành một động lực để nhà đầu tư bán ra chốt lời khi thị trường ở quanh mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, chuyên gia Kathy Lien của công ty tư vấn đầu tư BK Asset Management cho rằng, Chủ tịch Powell vẫn tỏ ra lạc quan về nền kinh tế Mỹ và không thấy có lý do nào để cân nhắc việc cắt giảm lãi suất. Quan điểm này trái ngược hoàn toàn với các ngân hàng trung ương khác, khi họ gần đây đã bày tỏ mối quan ngại về triển vọng tăng trưởng và tỏ ra cởi mở hơn về biện pháp đối phó với xu hướng này.

Bà Lien cũng cho rằng, những sự khác biệt trong chính sách kinh tế và tiền tệ là lý do cho sự tăng giá mạnh mẽ của USD trong tháng 4. Chúng sẽ tiếp tục là nguồn động lực chính thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá.

(theo AFP, TTXVN)