Năm 2017 chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số chung của thị trường VN-Index liên tục phá đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm, VN-Index đạt 984,24 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2017 cũng là phiên chỉ số VN-Index lên cao nhất trong năm và cũng là đỉnh trong 10 năm trở lại đây của thị trường chứng khoán Việt. (Ảnh: Vndirect) |
Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2017 cũng là phiên chỉ số VN-Index lên cao nhất trong năm và cũng là đỉnh trong 10 năm trở lại đây của thị trường chứng khoán Việt. Nguồn: VNdirect
So với đầu năm, chỉ số này đã tăng gần 50%, qua đó giúp thị trường chứng khoán Việt trở thành một trong ba thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong năm qua.
Trong khi đó, theo số liệu mà hãng tin Bloomberg đưa ra, Việt Nam - một thị trường chứng khoán sơ khai (frontier market) - chính là thị trường có mức tăng điểm mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm tại khu vực châu Á trong năm nay. Hiện nay, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần bắt kịp với Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với việc phá đỉnh trong 10 năm, hàng loạt doanh nghiệp với vốn hóa hàng chục nghìn tỷ đồng niêm yết năm qua cũng tạo ra thanh khoản rất lớn trên thị trường.
Hiện tại, trên 2 sàn giao dịch chính thức HOSE và HNX có tổng cộng 732 doanh nghiệp đã niêm yết. Trong năm 2017, nhiều cái tên với vốn hóa lớn đồng loạt lên sàn như Petrolimex (PLX), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Air (VJC), Vincom Retail (VRE), hay những nhà băng như VPBank, VIB… đã giúp thị trường có thêm một lượng lớn cổ phiếu, đẩy vốn hóa toàn thị trường tăng cao.
Tổng giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam hiện lên tới 3,36 triệu tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu 70% GDP mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều yếu tố hỗ trợ tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong các năm tới. Đó là quyết tâm cải cách của Chính phủ với triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 khá lạc quan, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định… Chính phủ cũng sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước phát triển; cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước để tạo ra hiệu ứng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Thị trường chứng khoán thêm nhiều tỷ phú
Với sự góp mặt của các cổ phiếu lớn như VPB, VJC, VIC, năm 2017, thị trường chứng khoán đã xuất hiện thêm nhiều tỷ phú mới và danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán cũng có nhiều sự xáo trộn mạnh.
Theo thống kê, 1.000 người giàu nhất sàn chứng khoán đang nắm giữ 263.193 tỷ đồng, tương đương 11,6 tỷ USD. Trong đó, Top 10 nắm giữ 199.111 tỷ đồng.
Kết ngày giao dịch cuối năm 2017, ở vị trí số 1, người giàu nhất sàn chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, ROS với tổng tài sản 58.851 tỷ đồng, tăng 25.045 tỷ đồng so với năm 2016.
Tiếp theo là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với 55.962 tỷ đồng, tăng 25.552 tỷ đồng so với năm 2016. Ông Vượng đang sở hữu 723.969.134 cổ phiếu VIC.
Tuy nhiên, nếu xét thêm số lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng sở hữu gián tiếp qua qua 92,88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (817.507.398 cổ phiếu), tài sản của ông Vượng lên tới 119.156 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD.
Đứng ở vị trí thứ 3 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với tổng tài sản trên sàn là 24.737 tỷ đồng. Bà Thảo hiện sở hữu 39.559.095 cổ phiếu VJC, cùng với 128.950.134 cổ phiếu VJC do Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny sở hữu (công ty do bà Thảo sở hữu 100%).
Các vị trí tiếp theo thuộc về ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG); bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Vingroup; ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland; bà Phạm Thúy Hằng, Phó chủ tịch Vingroup; ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động; bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long.
Vinamilk trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường năm 2017 ước đạt 302.773 tỷ đồng (xấp xỉ 13,3 tỷ USD), chiếm hơn 11% tổng vốn hóa toàn thị trường hiện nay.
Xếp ngay sau Vinamilk là một ông lớn trong ngành bất động sản là Vingroup với vốn hóa ước đạt 203.895 tỷ đồng (xấp xỉ 9 tỷ USD).