📞

Chứng khoán Việt Nam đã qua kỳ “đen tối”

17:00 | 14/08/2010
"Liệu kinh tế thế giới có trượt sâu trong suy thoái?" Đó là câu hỏi lớn được đặt ra tại Hội thảo "Tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán thế giới và các tác động đến chứng khoán Việt Nam" do Công Ty Chứng Khoán Dầu Khí tổ chức ngày 10/8/2010. Đáng mừng là các chuyên gia từ các Ngân hàng quốc tế đều có những đánh giá tích cực.
Ông Prasenjit K.Basu - Kinh tế gia Ngân hàng Đầu tư Daiwa dự báo, xuất khẩu của Châu Á năm nay sẽ tăng mạnh nhất.

Thời kỳ đen tối đã qua

Năm 2010, tuy ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đã tạm lắng nhưng vẫn còn tiểm ẩn nhiều biến động với khủng hoảng nợ công của Hi Lạp, bong bóng nhà đất ở Trung Quốc hay Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự.

Theo nhận định của ông Hiroki Shimazu, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Đầu tư Nikko Cordial, thời kỳ "đen tối" nhất của kinh tế thế giới gần như đã lùi lại đằng sau. Các điều kiện thuận lợi được duy trì. Mặc dù còn nhiều lo ngại, nhưng sự hồi phục kinh tế đang được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và tài khóa thông thoáng hơn. Những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới.

Sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu càng thuận lợi hơn với khu vực đồng tiền chung Châu Âu. Đối với khu vực Châu Á, ông Seiji Kawazoe - Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Sumitomo cho rằng: "Khu vực Châu Á đang chuyển động tích cực, nền kinh tế các nước Châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo dự báo của Ngân hàng Châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 của khu vực Đông Nam Á là 6,7%, Ấn Độ là 8,2% và Trung Quốc là 9,6%".

Đồng tình với ý kiến trên, ông Prasenjit K.Basu- Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư Daiwa dự báo, xuất khẩu của Châu Á năm nay sẽ tăng mạnh nhất trong vòng 20 năm qua do cầu nội bộ các nước đang phát triển kích thích cầu xuất khẩu của khu vực. Với các đơn đặt hàng tăng mạnh nửa đầu năm 2010, khả năng xuất khẩu của Châu Á và Mỹ tính đến hết năm sẽ tăng 15-20%...

Nhưng chưa thể bật mạnh

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam khó đạt được sự hứng khởi trong thời gian ngắn. Ông Phạm Thái Bình-Giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng: "Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang, thậm chí thời gian đi ngang của thị trường có thể kéo dài trong vài quý nữa. Nguyên nhân là do dòng tiền khá hạn chế, tín dụng với mục tiêu tăng trưởng 25% sẽ không tạo thuận lợi cho thị trường. Ngoài ra, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng chững lại trong khoảng 1 tháng qua. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu niêm yết mới và phát hành thêm của các tổ chức tăng mạnh. Do vậy khó có thể tìm thấy lý do để nâng đỡ thị trường tăng mạnh. Mặc dù giá cổ phiếu đang rẻ".

Tình hình trong ngắn hạn không có nhiều đột biến, nhưng các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên hướng đến mục tiêu dài hạn. Ông Đào Việt Trường - Phó Giám đốc Phân tích và Đầu tư Công ty Chứng khoán Hà Nội nhận định, trong ngắn hạn thị trường khó có khả năng xuất hiện sóng lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nhiều cổ phiếu có mức giá khá hấp dẫn với mục tiêu đầu tư dài hạn. So với mức giá khi thị trường sụt giảm mạnh xuống 235,5 điểm hồi đầu năm 2009 thì mức giá hiện nay là tương đương. Với mục tiêu dài hạn nhà đầu tư có thể đạt lợi nhuận tới 50%, đây là mức lợi nhuận không tồi.

"Các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện thời gian qua cho thấy rằng những tháng đầu năm 2010 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô Việt Nam trong 7 tháng đầu năm có cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt tăng 13%. Giá trị sản xuất công nghiệp là một chỉ tiêu rất quan trọng, đo lường được sự hồi phục nhanh hay chậm của một nền kinh tế, khi chỉ tiêu này tăng, có thể hiểu rằng kinh tế có dấu hiệu khả quan". Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương nhận xét.

Ông Thành cũng cho rằng, trong ngắn hạn, ổn định kinh tế vĩ mô có thể khiến tăng trưởng chậm, nhưng về lâu dài, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế là không có mâu thuẫn. Kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng GDP. GDP năm 2010 được dự đoán khoảng 8% nhưng đứng ở góc độ chính sách, mức 6-6,5% sẽ điều chỉnh tốt hơn để vừa có tốc độ tăng trưởng hợp lý vừa ổn định được kinh tế vĩ mô trong lâu dài

Rủi ro vĩ mô vẫn còn, song vẫn có thể kiếm soát được, vì Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn vậy phải hiểu được hành vi của kinh tế vĩ mô. Nếu nhà đầu tư tham gia TTCK hiểu được hành vi kinh tế vĩ mô và có điều chỉnh phù hợp thì thị trường sẽ không có biến động nhiều.

Anh Tú