Nhỏ Bình thường Lớn

Chứng khoán Việt Nam: Tháng tạo đà

Tháng 9, hầu hết các dự báo đều cho rằng, sẽ là thời gian tích lũy của TTCK Việt Nam, để từ đó, tạo đà bùng nổ cho giai đoạn cuối năm…

Bước sang tháng 9, thị trường được hỗ trợ bởi một số thông tin vĩ mô tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo duy trì tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ khoảng 30% (mức cũ khoảng 25-27%). CPI trong tháng 8 tăng khoảng 0,24% so với tháng trước và mức tăng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 9. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, những thông tin về việc phát hành cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ và kết quả kinh doanh hàng tháng sẽ tiếp tục tác động trên từng cổ phiếu và nhóm ngành. Đặc biệt, cuối tháng 9 sẽ xuất hiện 2 tin hỗ trợ mạnh: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần hé lộ và khả năng các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ có những động thái đẩy VN-Index lên cao để làm đẹp báo cáo tài chính quý III của mình.

Sau ngày nghỉ lễ, nhà đầu tư  (NĐT) trong nước có một phen giật mình khi khối đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng khá mạnh. Tuy nhiên, phiên giao dịch kế tiếp mọi việc lại trở về quỹ đạo cũ là mua ròng. Những phiên thị trường điều chỉnh, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng đã góp phần củng cố tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân trong nước, hãm đà giảm của VN-Index.

Theo bộ phận môi giới tại một số CTCK, sự điều chỉnh vừa qua được các NĐT cá nhân đón nhận khá bình thản. Mọi người coi đây là diễn biến tất yếu trong xu thế tăng. Bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước đã trở nên khá rõ ràng khi Tổng cục Thống kê công bố các số liệu tháng 8 và 8 tháng đầu năm với những dấu hiệu tương đối khả quan.

Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chuyên môn, TTCK Việt Nam trong tháng 9 vẫn chưa thể tăng mạnh. Bộ phận phân tích CTCK Kim Eng (KEVS) hạ mức đánh giá VN-Index trong ngắn hạn từ mua sang giữ. Quan điểm của KEVS dựa trên những luận điểm: yếu tố bất ổn trên thị trường thế giới đang gia tăng, đặc biệt là tại TTCK Trung Quốc và Mỹ. Tháng 9 là tháng TTCK thế giới thường có diễn biến không tích cực, có thể khiến NĐT thận trọng. Trong nước, đa số tin tốt như kết quả kinh doanh, tăng trưởng tín dụng mục tiêu nới trở lại mức 30%, khả năng gói kích cầu thứ hai đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Và, sự thoái vốn của Indochina Capital gây tác động tâm lý xấu.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn-Thương Tín (SBS) đã đưa ra bản báo cáo phân tích tháng 8 và những nhận định về thị trường chứng khoán trong tháng 9. Theo SBS, trong tháng 9 cổ phiếu Ngân hàng – Tài chính là một trong số những cổ phiếu mà Nhà đầu tư nên dành nhiều sự quan tâm hơn. Nguyên nhân, những thông tin gần đây về gói kích thích tăng trưởng kinh tế thứ 2 và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được giữ nguyên ở mức 30% chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận tích cực và điều này sẽ giúp thị trường giữ được mức thanh khoản tốt trong tháng 9. Mặt khác, cổ phiếu khối Ngân hàng – Tài chính đều có P/E Forward thấp hơn so với P/E trailing do triển vọng kinh doanh của Ngân hàng – Tài chính dự báo sẽ ổn định hơn vào 2 quý cuối năm. Sự tích lũy tương đối lâu sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ.

Đối với các NHTM, khi NHNN giữ nguyên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức 30% mang lại tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng, giúp các ngân hàng có thể đáp ứng được như cầu về vốn vay khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục và hơn thế nữa sẽ đảm bảo tỷ lệ lãi biên (NIM) mà các NH kỳ vọng. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới thoái khỏi suy thoái sẽ khiến hoạt động thương mại, XNK giữa Việt Nam và các nước khác tăng lên từ đó các mảng kinh doanh khác của NH là kinh doanh ngoại tệ và thanh toán quốc tế được hưởng lợi.

VN-Index dao động trong vùng 500-550 điểm được coi là có tính chất quan trọng với xu hướng thị trường trong suốt 9 năm qua. Đây cũng là điểm dừng chân của VN-Index khi bước vào mùa Thu năm 2006 và 2008. Năm 2008, VN-Index thoái trào và đi xuống từ mức này. Nhưng giờ đây ít ai tin một điều tương tự sẽ xảy ra. Kịch bản được cho là hợp lý đối với thị trường trong tháng 9 là tích lũy, chờ cơ hội để bùng nổ như 3 năm trước.

Minh Nguyễn

Tin cũ hơn