Trong hai ngày tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 30 hoạt động song phương và đa phương.
Một Việt Nam không ngừng cống hiến
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ASEAN nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam tự hào với những đóng góp của mình và luôn chung tay cùng các
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 31 tại Manila, Phillippines. (Nguồn: VGP) |
quốc gia thành viên khác phát triển ASEAN ngày càng vững mạnh và xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng đã mang tinh thần đó tới các hội nghị lần này với những đóng góp, đề xuất quan trọng.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31, Thủ tướng nhấn mạnh ba trọng tâm hợp tác mà ASEAN phải tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc của mình thông qua thúc đẩy những cái chung, đặc biệt là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và đóng góp nỗ lực để tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN. Thứ hai,
Thủ tướng đề nghị ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sự phát triển của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong Cộng đồng.
Thứ ba, Thủ tướng đề nghị ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề phi hạt nhân hoá trên Bán đảo Triều Tiên và khẳng định lại lập trường đã được ASEAN thống nhất về Biển Đông, đặc biệt là các nguyên tắc được nêu tại Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (8/2017). Thủ tướng Chính phủ cùng các nhà lãnh đạo hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi và
ràng buộc pháp lý. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam mong các đối tác tiếp tục đóng góp xây dựng cho việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN. |
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN, nền kinh tế lớn thứ 6 và đang hướng đến vị trí thứ 4 thế giới vào năm 2025. Trong các cuộc họp như Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Canada, Hội nghị Cấp cao Đông Á…, Thủ tướng đều có các bài phát biểu nhấn mạnh thúc đẩy các quan hệ hợp tác và định hướng tương lai quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
“Tuổi vàng” và những bước tiến
Không khí hân hoan chào mừng “Tuổi vàng 50” của ASEAN vẫn còn rõ nét và bao trùm các hội nghị. Các nhà lãnh đạo khẳng định lại lần nữa mục tiêu chung về xây dựng
Cộng đồng ASEAN vững mạnh, dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, nỗ lực “chung tay đổi thay, gắn kết toàn cầu”. Bên cạnh đó, các lãnh đạo ASEAN còn tập trung đánh giá công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bàn các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động ASEAN và trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trước những biến động, thách thức của thời đại, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nâng cao vai trò và vị thế của mình, trong khuôn khổ các hội nghị, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như giải quyết hoà bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Sau các Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN đã cùng ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Mười năm khởi thảo và đàm phán, ASEAN đã đi đến thống nhất, cùng cam kết bảo đảm cho người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo.
Nhìn lại, trong nửa thế kỷ qua, vượt qua nhiều thăng trầm, ASEAN đã vươn lên từ một tổ chức nhỏ bé ban đầu trở thành một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh gồm 10 nước Đông Nam Á, hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN gắn kết toàn diện, sâu rộng trên các trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội.
Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương quan trọng. Thủ tướng đã tham dự cuộc gặp Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Tại các cuộc gặp, hội đàm, tiếp xúc, hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề hợp tác cụ thể. |
Xây dựng vị thế và quan hệ đối tác
Việc đẩy mạnh quan hệ với các đối tác dựa trên sự cân bằng và cùng có lợi là hướng mà ASEAN đang đi để khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới và khu vực.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng giữa ASEAN và các đối tác. Cụ thể, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, các nhà Lãnh đạo nêu bật ý nghĩa quan trọng của năm 2017 khi cơ chế hợp tác ASEAN+3 kỷ niệm 20 năm thành lập. Trên tinh thần đó, các nhà Lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Manila về kỷ niệm 20 năm hợp tác ASEAN+3” nhằm điểm lại các thành tựu đã đạt được; khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác mọi mặt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tài chính, văn hoá-xã hội; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, kết nối doanh nghiệp, và hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Đông Á.
Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Canada có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên hai bên tổ chức Hội nghị Cấp cao trong suốt 40 năm thiết lập quan hệ từ năm 1977. Hội nghị lần này được đánh giá là động lực để đưa quan hệ ASEAN-Canada phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn, đặc biệt tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, khoa học-công nghệ, sáng tạo đổi mới, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhân dịp này, các nhà Lãnh đạo ASEAN ghi nhận đề xuất của Canada về việc xin tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), xem xét tiến tới ký Hiệp định thương mại ASEAN-Canada trong tương lai.
Bên cạnh đối tác Canada, các lãnh đạo cũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU, điểm lại những kết quả nổi bật mà hai bên đã đạt được kể từ khi thiết lập quan hệ đến nay, đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ ASEAN-EU đối với sự phát triển của mỗi bên. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15, hai bên bày tỏ hài lòng trước những kết quả hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong năm qua, nhất là triển khai Kế hoạch hành động 2016-2020 và những lĩnh vực ưu tiên giai đoạn 2016-2018. Hội nghị Cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 9 diễn ra, ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2015, bao gồm triển khai “Kế hoạch hành động của Chiến lược Tokyo 2015”, “Sáng kiến Kết nối Mekong – Nhật Bản” và “Tầm nhìn Phát triển Công nghiệp Mekong”.
Là diễn đàn hàng đầu của các nhà Lãnh đạo bàn các vấn đề chiến lược về chính trị-an ninh và phát triển kinh tế ở khu vực, đồng thời cũng là cơ chế hợp tác quan trọng do ASEAN sáng lập với sự tham gia của hầu hết các nước lớn trên thế giới, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường vai trò của diễn đàn, đặc biệt trong định hình cấu trúc khu vực mở, cân bằng, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ.
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua về nguyên tắc việc bổ sung “hợp tác biển” thành lĩnh vực ưu tiên mới của EAS. Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua bốn Tuyên bố EAS về “Chống rửa tiền và chống tài trợ chủ nghĩa khủng bố”, “Chống lan truyền tư tưởng khủng bố”, “Vũ khí hoá học” và “Hợp tác giảm nghèo”, thể hiện cam kết cao của từng quốc gia thành viên nhằm kịp thời xử lý các thách thức nổi lên ở khu vực và trên toàn cầu vì an ninh, thịnh vượng và tương lai chung của người dân.
“Đoàn tàu" Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) đang lăn bánh về những chặng cuối của cuộc hành trình. Đó là lý do tại Phiên họp RCEP, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới đạt được Hiệp định RCEP giữa ASEAN và sáu nước đối tác Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand. Các nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng một Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện, cùng có lợi, tiêu chuẩn cao, hiện đại, cam kết cả gói nếu đạt được sẽ giúp thiết lập môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế công bằng cũng như hội nhập kinh tế của khu vực.