📞

Chung tay quản lý di cư

15:21 | 22/09/2016
Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hợp tác để quản lý hoạt động di cư một cách an toàn, trật tự và trách nhiệm. Năm nay, các nhà lãnh đạo cần phải nỗ lực hơn nữa để thực thi cam kết đó.

Các quốc gia thành viên LHQ đều nhận thức được những lợi ích của di cư, chẳng hạn như làm bình ổn thị trường lao động toàn cầu, phổ biến kiến thức và tư tưởng, thúc đẩy thương mại - đầu tư… Tuy nhiên, những lợi ích này có thể dễ bị ảnh hưởng nếu các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á, Trung Mỹ... không được giải quyết một cách rốt ráo.

Chính phủ các nước cần nhận ra khoảng cách giữa ý tưởng họ đề ra  và thực tế khó khăn mà những người di cư đang phải đối mặt hiện nay. Sau đó, các nhà lãnh đạo cần tái khẳng định cam kết đối với việc quản lý người di cư, cũng như hướng tới tổ chức hội nghị liên chính phủ đầu tiên vào năm 2018 nhằm đưa ra thỏa thuận toàn cầu mới về giải quyết vấn đề di cư.

Việc các nước thành viên LHQ có thể đạt được thỏa thuận nói trên được kỳ vọng là bước phát triển quan trọng. Cho đến nay, trong bối cảnh thiếu vắng các cơ chế quản lý toàn cầu cũng như khuôn khổ pháp lý để định hướng hợp tác quốc tế, hầu hết các nước đều thực hiện những biện pháp đơn phương để quản lý di cư.

Những người di cư trái phép từ châu Phi sang châu Âu phải chen chúc nhau trên những con tàu cũ nát, dễ bị chìm. (Nguồn: Indian Express)

LHQ thực sự vẫn chưa có nhiều biện pháp hiệu quả để hỗ trợ những người di cư hay các cộng đồng tiếp nhận những người này. Bản thân LHQ cần xem quản lý di cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hơn là chia nhỏ công việc cho các cơ quan trực thuộc.

Bangladesh chính là nước đưa ra sáng kiến về thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện quản lý di cư. Giữ chức Chủ tịch luân phiên Diễn đàn toàn cầu về Di cư và Phát triển, Bangladesh cam kết sẽ áp dụng những kinh nghiệm của mình vào xây dựng thỏa thuận nói trên.

Di cư là vấn đề có nhiều khía cạnh phức tạp, đòi hỏi các nước phải có cách tiếp cận toàn diện trong khi vẫn phải tôn trọng luật hay quy định của các quốc gia. Các nhà làm chính sách có thể tối đa hóa những lợi ích kinh tế của di cư, tạo ra các kênh di cư hợp pháp, giảm thiểu rào cản trong lao động và kiều hối, hay bảo vệ người di cư tại những vùng chiến tranh, xung đột...

Đặc biệt, một giải pháp quản lý người di cư hiệu quả cần dung hòa với các mục tiêu khác vốn thường xung khắc nhau. Ví dụ, những lợi ích quốc gia như đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, kiểm soát biên giới, thực thi luật quốc gia... cần được xem xét một cách cân bằng và hài hòa với quyền của người di cư cũng như những nhu cầu của xã hội trong việc tiếp nhận những người này.

Nếu giải quyết vấn đề di cư theo hướng nói trên, cộng đồng quốc tế có thể chung tay giữ vững sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu, vốn là một trong những trọng tâm trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030. Trong giai đoạn hiện nay, thế giới cần bước đi trên con đường hợp tác xây dựng, thay vì áp dụng các biện pháp đơn phương theo hướng dân tộc chủ nghĩa.

­Sheikh Hasina

Thủ tướng Bangladesh

(lược dịch)