Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Hội người Việt Nam tại Hà Lan tổ chức chuỗi hoạt động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại sứ quán. |
Tham dự buổi lễ có toàn thể cán bộ, nhân viên và phu nhân Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, đại diện Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan, Hội Tri thức Việt Nam tại Hà Lan và đông đảo bà con Việt kiều từ nhiều vùng của Hà Lan.
Sau lễ dâng hương tưởng niệm, Đại sứ Phạm Việt Anh đã giới thiệu không gian Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán, những hình ảnh mang đậm chất nhân văn Hồ Chí Minh được ghi lại tại những thời khắc gắn liền với sự nghiệp của Người và đất nước, từ khi bôn ba tìm đường cứu nước đến những ngày lãnh đạo toàn dân kháng chiến, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đại sứ Phạm Việt Anh cũng giới thiệu với cộng đồng người Việt tại Hà Lan về nhà làm phim tài liệu huyền thoại người Hà Lan Joris Ivens. Ông là một nghệ sĩ lớn của thế kỷ 20, đã thực hiện 4 bộ phim tài liệu tại Việt Nam trong khoảng những năm 1964-1970, trong số đó các tác phẩm “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”, “Bầu trời và mặt đất” và “Việt Nam xa xôi”. Tất cả đều nhận được những giải thưởng quốc tế lớn.
Những tác phẩm của ông đã góp phần giúp thế giới hiểu hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Joris Ivens cũng chính là người ghi lại được những thước phim cuối cùng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà con rất súc động trước những nét đẹp bình dị mà cao quý của Bác Hồ, vị lãnh tụ kiệt xuất nhưng vô cùng gần dân, thương dân và trọn đời vì dân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Nhân dịp này, những bà con đã tham gia các chuyến thăm Trường Sa đã chia sẻ, lan tỏa tình yêu quê hương, hướng về biển đảo quê hương. Bác Nguyễn Công Chung, năm nay đã 92 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, đã chia sẻ những cảm xúc như còn tươi mới về chuyến thăm Trường Sa đầu tiên được tổ chức cho kiều bào cách đây hơn 10 năm. Bác nghẹn ngào khi nói về nghĩa trang liệt sỹ tại Trường Sa bởi thấy các chiến sỹ ta còn quá trẻ khi ngã xuống.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan; chị Lều Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan đồng thời là thành viên Ban điều hành Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan cùng chị Nguyễn Thị Vân Anh (các đại biểu thăm Trường Sa năm 2022 và 2023) đã diện bộ trang phục thủy thủ và sôi nổi chia sẻ về chuyến đi và những cảm xúc, những hình ảnh, những chiếc bút do chiến sỹ ta chế tạo từ vỏ đạn, lá cờ có chữ ký của Phó Đô đốc hải quân và tất cả được góp lại để xây dựng “Góc Biển đảo” ngay trong Đại sứ quán.
Điều sâu lắng nhất sẽ còn lại mãi với cử tọa chính là tấm lòng, là sự day dứt của bà con muốn làm được gì đó thật lâu bền, thiết thực đối với bà con và chiến sỹ đang ngày đêm nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc.
Đại sứ Phạm Việt Anh và các đại biểu tại sự kiện. |
Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Việt Anh cũng kêu gọi các trí thức Việt tại Hà Lan cùng nhau đóng góp những giải pháp, nhưng kỹ thuật, thiết bị để có thể sản xuất được năng lượng tái tạo trên đảo như điện gió, điện mặt trời để sản xuất hydrogen và tạo ra nước ngọt cho đồng bào, chiến sỹ ta đỡ vất vả.
Để tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương, nối rộng vòng tay, hướng về Tổ quốc, ngay tại sự kiện này các đại biểu thăm Trường Sa đã thành lập “Câu lạc bộ Trường Sa Hà Lan” và bầu bác Nguyễn Công Chung làm Chủ tịch danh dự.
Với mục đích đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan gìn giữ tiếng Việt và văn hóa, tri thức Việt, Đại sứ quán đã khai trương “Tủ sách Việt” tại Đại sứ quán. Đại sứ Phạm Việt Anh khi lên đường sang nhận nhiệm vụ đã mang theo một số sách tiếng Việt “làm vốn” và kêu gọi bà con tặng sách để làm thư viện.
Đại sứ quán khai trương “Tủ sách Việt”. |
Ngay tại Lễ khai trương, bà con đã mang tặng rất nhiều sách quý, có những cuốn được xuất bản hơn 30 năm, đã mất bìa, giấy ngả vàng, nhưng vẫn được bọc trong ni lông cẩn thận, chứng tỏ một nỗi niềm của chủ nhân với cuốn sách và con chữ tiếng Việt. Ngay trong ngày khai trương, Đại sứ quán cũng đã đón tiếp những độc giả đầu tiên hồ hởi đăng ký mượn.
Tủ sách Việt không chỉ có sách tiếng Việt, mà có cả những sách tiếng nước ngoài viết về Việt Nam, về cuộc kháng chiến thần thánh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh dạo tiền bối, có cả sách giới thiệu về chủ trương, chính sách của Đảng, về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đương nhiên, một phần không thể thiếu là các loại sách giới thiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch Việt Nam bằng các thứ tiếng.
Tủ sách Việt được kê ngay trong phòng tiếp khách giải quyết thủ tục lãnh sự và không có khóa để bà con có thể đọc trong khi chờ đợi và mượn về mà không cần hỏi “thủ thư”. Đơn giản là “Tủ sách Việt” cũng học theo văn hóa đọc của Hà Lan: khắp nơi trên đất nước Hà Lan, có vô số tủ sách mini đặt ngay ngoài đường và không khóa. Ai cần thì lấy, ai thừa thì cho. Các tủ sách như thế ở Hà Lan không lúc nào vắng sách.
Tiết mục văn nghệ tại sự kiện. |
Chuỗi hoạt động được xen lẫn những tiết mục văn nghệ do chị Tố Cầu, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan và một số bà con trình bày càng làm cho không khí thêm tươi vui, đầm ấm tình nghĩa quê hương, tình đồng bào.