Nó được cho là sẽ kiểm duyệt nội dung và giám sát hoạt động của người dùng. Khi sử dụng phiên bản Google Search Trung Quốc này, người dùng không thể tìm thấy các nội dung "nhạy cảm" liên quan đến chính trị.
Một bức thư từ tập thể nhân viên Google được công bố trên trang Medium.com vào ngày 27/11 nói rằng Dragonfly sẽ khiến Google liên đới trong các vụ lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc. Bức thư cũng kêu gọi lãnh đạo Google hủy dự án, đồng thời chỉ trích ông lớn công nghệ này vì nhiều lần phớt lờ đi các khiếu nại của nhân viên.
Trước đó, vào tháng Tám, hơn 1.000 nhân viên của Google đã ký một lá thư phản đối việc công ty này phát triển công cụ Dragonfly. Lá thư được đăng trên Medium cũng có mối quan tâm tương tự, nhưng nó được đăng lên mạng để cả thế giới biết đến, chứ không còn chỉ lưu hành nội bộ nữa. “Lãnh đạo Google đã không đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng tới nhân viên trong nhiều tháng liền” – bức thư cho biết.
Bức thư nêu rõ các vấn đề cốt lõi của Dragonfly: nó sẽ giúp chính phủ Trung Quốc mở rộng khả năng giám sát người dùng Internet, và ứng dụng này báo hiệu rằng Google sẵn sàng nghe theo các chính phủ khác muốn kiểm soát Internet.
Google hiếm khi đưa ra thông tin gì về Dragonfly nhưng theo Intercept, công ty này đã nghiên cứu kĩ các từ khóa bị cấm ở Trung Quốc, tạo điều kiện cho việc phát triển Dragonfly. Không những thế, ứng dụng trên còn bắt người dùng để lộ số điện thoại, cho phép chính phủ dễ dàng kiểm soát.
Thậm chí, một số nhân viên kỳ cựu của Google đã phản đối bằng cách nghỉ việc tại đây. Theo Intercept, ngay sau khi bức thư được công bố, đã có khoảng 5 người nộp đơn bỏ việc. "Tôi không thể chịu nổi khi Google tự hạ mình đổi quyền kiểm duyệt và bảo mật thông tin lấy một thị trường như Trung Quốc", Jack Poulson, cựu chuyên viên phân tích dữ liệu của Google nói.
Các nhân viên cho biết không còn tin Google là "một công ty đặt giá trị doanh nghiệp lên trên lợi nhuận", và kể ra một chuỗi những "thất vọng" trong năm nay, bao gồm một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) quân sự có tên Project Maven mà Google đã ký với chính phủ Mỹ nhưng dự án cũng bị hủy bỏ do phản đối của nhân viên.
Google luôn muốn mở rộng sự hiện diện tại Trung Quốc, thị trường người dùng Internet lớn nhất thế giới. Và họ cần chính phủ nước này cho phép nếu muốn bắt đầu cạnh tranh với những dịch vụ mạng do Trung Quốc phát triển đang chiếm ưu thế tại đây.
CEO Sundar Pichai của Google ra sức bào chữa cho Dragonfly bằng cách cho rằng mọi người không nên phán xét một công cụ chỉ đang trong giai đoạn phát triển. "Hiện chúng tôi vẫn chưa có ý định cho ra mắt bất cứ ứng dụng tìm kiếm tại Trung Quốc", Sundar Pichai nhấn mạnh. Vị CEO cho rằng động thái nghiên cứu từ khóa bị cấm tại Trung Quốc là nhiệm vụ cần thiết của Google. "Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Việc nghiên cứu và học hỏi đất nước này có gì khác với phần còn lại của thế giới giúp dịch vụ của chúng ta càng hoàn thiện hơn", Sundar Pichai nói.