TIN LIÊN QUAN | |
Xúc tiến du lịch Việt Nam tại Phần Lan | |
Hội thảo “Hợp tác kinh tế Việt Nam-Phần Lan trong giai đoạn mới” |
Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong 45 năm qua?
Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Phần Lan hiện đang phát triển rất tốt đẹp. Những năm gần đây, cả hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Đó là các chuyến thăm của Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen (2/2008), Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen (11/2009), Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Sauli Niinisto (1/2010), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (5/2010), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (9/2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (9/2016), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (10/2017).
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Thời gian gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Phần Lan tăng trưởng khá tích cực với kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt 328 triệu USD và riêng 10 tháng đầu năm 2017 đã đạt 389 triệu USD (tăng 40% so với cùng kỳ 2016). Tuy nhiên, nhìn chung, quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam vẫn còn thấp khi dừng lại ở mức 21 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, Phần Lan đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 340 triệu USD. Trong 40 năm qua, Việt Nam cũng là một trong những đối tác nhận được nhiều khoản tài trợ phát triển từ Phần Lan. Khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vì vậy, thời gian tới, Phần Lan có thể sẽ duy trì các khoản cho vay ưu đãi, nhưng những khoản hỗ trợ khác sẽ được cắt giảm. Có thể việc cắt giảm này sẽ ảnh hưởng phần nào đến các hoạt động hợp tác giữa hai bên, nhưng tôi nghĩ không đáng lo ngại vì điều này cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng đứng vững trên đôi chân của mình.
Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch Phần Lan đến Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, đạt khoảng 16.000 lượt/năm. Về giáo dục, hiện có khoảng 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Phần Lan. Đối với một quốc gia có dân số chỉ 5,5 triệu người như Phần Lan thì số lượng du học sinh này không hề nhỏ. Chúng tôi hy vọng, khi số sinh viên này tốt nghiệp và quay trở về Việt Nam, họ sẽ tiếp tục trở thành những cầu nối hữu nghị cho hai dân tộc, góp phần làm phong phú thêm mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vậy hai bên cần làm gì để đưa mối quan hệ thương mại lên một tầm cao mới?
Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước có thể kết nối giao thương và thúc đẩy đầu tư từ Phần Lan vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Phần Lan chia sẻ, họ mong muốn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa và mong tìm được đối tác kinh doanh tin cậy tại Việt Nam. Tôi cho rằng, việc kim ngạch thương mại song phương có tăng trưởng trong thời gian tới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Là một nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau khi được phê chuẩn và đi vào thực thi sẽ có tác động như thế nào trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Phần Lan?
Hiệp định EVFTA là một hiệp định chất lượng cao, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định đều đặt tất cả các nước thành viên EU trên một vạch xuất phát giống nhau, nghĩa là nếu cộng đồng EU có lợi thì mọi thành viên của EU sẽ cùng có lợi. Là một nước thành viên của EU nên Phần Lan xác định, những chương trình nghị sự của EU cũng nằm trong kế hoạch đẩy mạnh hợp tác thương mại với Việt Nam.
Có thể nói, nhờ có Hiệp định EVFTA, các công ty Phần Lan sẽ không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn mà còn có thể tiếp cận với thị trường lớn hơn là ASEAN, cũng như đẩy mạnh hợp tác thương mại với các nước thành viên ASEAN.
Về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam tại thị trường châu Âu và quốc tế vì trong thương mại, yếu tố hình ảnh và thương hiệu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Vì những lý do đó, Phần Lan kỳ vọng Hiệp định EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn và đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước.
Nhiều năm qua, hệ thống giáo dục của Phần Lan luôn được đánh giá là một trong những nền giáo dục tiên tiến và thành công nhất trên thế giới. Vậy Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm gì từ Phần Lan để phát triển giáo dục trong nước? Đại sứ có thể chia sẻ một số dự án hợp tác nổi bật về giáo dục giữa hai bên?
Tôi đánh giá hợp tác về giáo dục cũng là một trong những điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan. Trong chuyến thăm Phần Lan của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tháng Tám năm ngoái, đã có 18 biên bản ghi nhớ giữa các trường đại học và trung học của Việt Nam với đối tác Phần Lan được ký kết.
Các biên bản ghi nhớ tập trung vào bốn lĩnh vực: Chuyển giao tài liệu về chương trình và sách giáo khoa; chuyển giao công nghệ đào tạo trực tuyến; khuyến khích mở thêm trường phổ thông Phần Lan ở Việt Nam; hợp tác đại học để cùng liên kết đào tạo một số lĩnh vực; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Chúng tôi cũng đang thí điểm một dự án hợp tác giáo dục với Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) nhằm đưa mô hình giáo dục của Phần Lan vào giảng dạy tại Việt Nam. Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (Việt Nam-Finland International School - VFIS) vừa chính thức được khởi công tháng 11/2017 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2019. Đây sẽ là mô hình trường quốc tế trong trường công đầu tiên ở Việt Nam.
Dự án hiện có lộ trình rất cụ thể. Rất nhiều giáo viên có kinh nghiệm Phần Lan từng tham gia vào các dự án hợp tác với các trường dạy nghề, đại học của Việt Nam cũng tham gia vào dự án để nhân rộng và quảng bá mô hình giáo dục của Phần Lan. Ngoải ra, hoạt động hợp tác và liên kết giữa các trường đại học của hai nước cũng khá sôi động và thường xuyên.
Ngoài VFIS, chúng tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới. Là quốc gia có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất châu Âu, Phần Lan cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Phần Lan để du học và mong rằng số lượng sinh viên Việt Nam tới Phần Lan sẽ không ngừng tăng lên.
Không chỉ giáo dục, Phần Lan cũng là một trong những quốc gia đi đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những hỗ trợ của Phần Lan dành cho Việt Nam trong lĩnh vực này đang được hiện thực hóa như thế nào?
Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là một trong những điển hình về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. IPP hiện đang triển khai giai đoạn 2 từ năm 2014 đến 2018 với tổng ngân sách là 11 triệu Euro. Mục tiêu của IPP là thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc hỗ trợ nhân rộng các hoạt động đổi mới sáng tạo, đào tạo nâng cao chất lượng của các trường đại học, tài trợ các khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng cao, và kết nối Việt Nam với các cơ hội kinh doanh toàn cầu.
Mặc dù chương trình này sắp kết thúc nhưng các hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam thông qua các dự án hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài việc xây dựng các chương trình tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác tiềm năng từ Phần Lan.
Ngoài đổi mới sáng tạo, lĩnh vực nào sẽ thu hút sự quan tâm của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Phần Lan?
Phần Lan là một trong những quốc gia có thế mạnh về công nghiệp sạch và xử lý chất thải. Đây là những lĩnh vực đang được thế giới rất quan tâm và cá nhân tôi trong hai tuần qua đã tham dự rất nhiều buổi làm việc với các Bộ, ngành của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như quản lý thông tin, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khoẻ, giải pháp cho thành phố thông minh…đang được đẩy mạnh tại Việt Nam cũng là những lĩnh vực mà Phần Lan quan tâm. Nhìn chung, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan đang trải rộng trên nhiều lĩnh vực, ngay cả đến lĩnh vực mới như khí tượng học.
Xin cám ơn Đại sứ!
Việt Nam - Phần Lan cùng chia sẻ để phát triển Đây là nội dung của cuộc tọa đàm do Hội hữu nghị Việt Nam – Phần Lan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát ... |
Phần Lan hỗ trợ Việt Nam đổi mới sáng tạo Thông tin này được đưa ra tại lễ khởi động dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giai đoạn 2 ... |
Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Phần Lan Ngày 3/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Phần Lan đã phối ... |