📞

Chuyện cổ tích thời hiện đại ở Premier League

00:00 | 09/05/2016
Câu chuyện cổ tích thời hiện đại mà “nàng lọ lem” Leicester City là nhân vật chính đã có một cái kết đẹp.

Thầy trò huấn luyện viên Claudio Ranieri đã nâng cao chiếc cúp vô địch giải Ngoại hạng Anh ngay trên sân nhà King Power. Các vị khách Everton đêm 7/5 thì đóng hai vai: khán giả bất đắc dĩ nhìn đối thủ lên ngôi và vai phản diện có nhiệm vụ làm “Bầy cáo” bớt vui hơn một chút. Nhưng vai thứ hai thì khó được làm tròn.

"Vai ác" Everton chưa thể gây khó dễ cho "lọ lem" Leicester City. (Nguồn: Getty Images)

Vai phản diện "khó nhằn"

Đúng như lời hứa của Ranieri, các học trò của ông đã có một trận cầu cống hiến cho khán giả. Ngay phút thứ 5, tuyển thủ Jamie Vardy là người đầu tiên mở tỷ số. Trước khi hiệp một khép lại, chân sút Andy King góp một pha lập công nâng tỷ số lên 2-0. Sang hiệp 2, Vardy được trao cơ hội thực hiện 2 quả 11m, nhưng tiếc là anh “chỉ” thành công một lần, giúp gia tăng cách biệt Leicester City – Everton lên 3-0. Cuối trận đội khách có một bàn danh dự do công của Kevin Mirallas để khép lại chiến thắng 3-1 cho Leicester City.

Câu chuyện cổ tích của bóng đá thời hiện đại đã khép lại với cái kết có hậu: Thầy trò HLV Ranieri đã nâng cao chiếc cúp của nhà vô địch mới giải Ngoại hạng Anh. Leicester City đăng quang một cách vô cùng xứng đáng. Danh hiệu cao quý này sẽ mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho đội bóng của các ông chủ người Thái Lan, từ tài chính đến vị thế, nhưng thứ hấp dẫn nhất với các cổ động viên Leicester – đó là làm sao để họ sẽ có thể thường xuyên được nghe nhạc hiệu Champions League vang lên ở sân King Power.

Vô địch Ngoại hạng Anh với đội hình 23 triệu bảng quả là môt món hời của các ông chủ Thái Lan. (Nguồn: Getty Images)

Nhà vô địch "lo trụ hạng"

Nhiều người chẳng bao giờ xem Leicester City thi đấu cho đến khi đội bóng này bắt đầu tiến gần đến ngôi vô địch, và tự hỏi rằng mình đã bỏ lỡ những trận đấu hay nhất của mùa giải chăng? Khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Leicester vẫn là Leicester, họ không phải là Manchester United của năm 1999, cũng không giống như Chelsea của năm ngoái. Những ai yêu mến “Bầy cáo” và theo dõi họ thi đấu thường xuyên vẫn thấy lối chơi của họ vô cùng hấp dẫn và đặc biệt. Họ đã vô địch giải Ngoại hạng theo cách riêng của mình, cách của đội bóng chỉ lo trụ hạng mà thôi.

Trong lịch sử Ngoại hạng Anh cho tới thời điểm này, mọi nhà vô địch đều kết thúc trong top 3 ở mùa giải trước đó. Vậy thì Leicester City đã ở đâu năm ngoái? Họ xếp thứ 14 và kém nhà vô địch Chelsea tới 46 điểm. Kiểm soát bóng ư? Không quan trọng. Điều đó thậm chí không có trong giáo án của HLV Ranieri.

Cách Leicester thắng 23 trận đã qua không giống cách chiến thắng của một ứng cử viên vô địch, nhưng có phong cách riêng và vô cùng hấp dẫn. Nó giống với cái cách của một đội bóng lo trụ hạng hơn. Bằng chứng là tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của Leicester ở mùa giải này chỉ là 43,24%, xếp thứ 18. Số lượng các đường chuyền là khoảng 13.000, cũng xếp thứ 18. Và với tỷ lệ chuyền chính xác 70,01%, họ xếp thứ 20.

Trong bóng đá, tài chính là tiền đề để các ông chủ nghĩ đến tham vọng vô địch. Nếu so sánh với nhà vô địch trước đây thì ông chủ Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha hẳn phải cảm thấy vô cùng tự hào với những gì mình làm được. Mùa bóng 2011-2012 Manchester City đăng quang với đội hình trị giá 194 triệu bảng Anh. Manchester United sau đó một năm là 158 triệu bảng, còn Chelsea năm ngoái là 200 triệu. Còn đội hình vừa mới vô địch của Leicester chỉ có giá là 23 triệu bảng – bằng đúng một nửa số tiền MU bỏ ra mua tiền đạo Anthony Martial.

Cổ động viên Leicester City đang có lễ ăn mừng lớn chưa từng có. (Nguồn: Reuters)

Ăn mừng "dị"

Trong lịch sử 132 năm của mình, đây là lần đầu tiên Leicester lên ngôi vô địch và chẳng ai biết đến bao giờ họ mới lên ngôi một lần nữa. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy họ tự hào về thành phố của mình và chào đón sự kiện này theo cách rất “dị”. Nhiều cặp vợ chồng quyết định lấy tên Claudio để đặt cho những đứa con mới chào đời của họ.

Ngài thị trưởng thành phố thậm chí còn hứa rằng ông sẽ đề xuất gắn tên các cầu thủ và HLV của đội bóng với cảnh quan của thành phố. Ví như thung lũng Vardy, phố Schmeichel, đường hầm Drinkwater hay con đường mang tên Ranieri... Bình luận viên Gary Lineker – huyền thoại của cả Tottenham lẫn Leicester City đã viết trên Twitter rằng: “Nếu Leicester vô địch, tôi sẽ mặc "quần nhóc" để dẫn chương trình đầu tiên của mùa giải mới”.

Ở một phản ứng khác biệt, Bộ trưởng Thể thao Malaysia Khairy Jamaluddin từng đưa ra lời nhận xét: Thành công lớn nhất mà “Bầy cáo” làm được cho thành phố của họ - đó là khiến giờ đây cả thế giới sẽ phải phát âm đúng tên của thành phố: Le-stơ chứ không phải là Lai-xét-stơ.

Leicester đã làm nên điều thần kỳ. Khi họ làm được điều gần như không thể, thì điều thú vị nhất có lẽ là xem lại những gì mà người ta nói họ khi mùa giải mới bắt đầu. Với Leicester, tỷ lện đặt cược 5000/1 đã nói lên tất cả. Báo chí Anh đã từng đón nhận thông tin về việc HLV Ranieri ký hợp đồng dẫn dắt Leicester với lời mỉa mai “sự trở lại của “Tinkerman” (chỉ một HLV khờ khạo, liên tục thử nghiệm bằng cách thay đổi đội hình từ trận này sang trận khác).

Bài báo tổng kết lại là trong 11 năm rời xa Premier League, ông Ranieri đã bị mất việc tới 9 lần, trong đó có lần ông làm việc ở đội bóng chỉ một vài tháng, như với đội tuyển Hy Lạp mới đây nhất. Còn giờ thì gọi ông với cái tên “Thinkerman” (người biết suy nghĩ)  và hình ảnh về một người viết nên câu chuyện cổ tích của bóng đá hiện đại.