TIN LIÊN QUAN | |
Nhiều sự kiện ý nghĩa kỷ niệm đám cưới kim cương của Nhật hoàng Akihito | |
Nhật Bản đổi niên hiệu: Triều đại mới, kỳ vọng mới |
Đúng 17h (giờ địa phương) hôm nay, Nhật hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị, sau đó nhường ngôi cho Thái tử Naruhito trong một buổi lễ kéo dài 10 phút tại Matsu-no-Ma (Phòng Cây thông) - nơi được coi là hội trường trang nhã nhất trong cung điện Hoàng gia Nhật Bản. Đây là thời khắc lịch sử của Nhật Bản, bởi lẽ Akihito là vị Thiên hoàng (tước hiệu của Nhật hoàng) đầu tiên thoái vị trong vòng 200 năm qua.
Hiện tại, theo thứ tự kế vị, Hoàng tử Akishino (53 tuổi) – em trai của Thái tử Naruhito là người đầu tiên trong danh sách và con trai ông - Hoàng tử Hisahito sẽ là người đứng thứ 2 sau cha mình về thứ tự thừa kế ngôi vị.
Hoàng tử Hishahito (giữa) cùng cha mẹ là Hoàng tử Akishino và Công nương Kiko. (Nguồn: CNN) |
Sự nối ngôi hàng thế kỷ của Nhật Bản sẽ bị gián đoạn nếu Hoàng tử Hisahito không có con trai vì Luật Nội vụ Hoàng gia từ năm 1947 không cho phép phụ nữ lên ngôi. Người con duy nhất của Nhật hoàng tương lai Naruhito, Công chúa Aiko, 17 tuổi, không phù hợp để kế thừa ngai vàng.
Giáo sư người Nhật tại Đại học Hebrew (Jerusalem) Ben-Ami Shillony nhận định : “Toàn bộ tương lai của Hoàng gia Nhật đang phụ thuộc vào cậu bé 12 tuổi. Hy vọng, cậu bé sẽ lớn lên khỏe mạnh, kết hôn và sinh con”.
Từng có nữ Thiên hoàng
Vốn là một quốc gia truyền thống và khá bảo thủ, Nhật Bản hiện vẫn không cho phép phụ nữ lên ngôi – dù có đến 13 trong 18 thành viên của hoàng gia là nữ. Trong lịch sử, Nhật Bản từng có nữ Thiên hoàng vào một số thời điểm cho đến khi chính thức bị cấm vào năm 1889.
Ngược dòng lịch sử, theo Chizuko T. Allen, nhà sử học tại Đại học Michigan (Mỹ), những nghiên cứu khảo cổ về lăng mộ tại Nhật Bản cho thấy, ngôi mộ của các nữ thủ lĩnh khá phổ biến ở miền Tây Nhật Bản vào thế kỷ thứ tư.
“Những người phụ nữ này được chôn cất cùng với vũ khí và công cụ sắt cho thấy họ là những nhà lãnh đạo về chính trị, quân sự và tôn giáo có chức quyền. Ngôi mộ của các nam thủ lĩnh chỉ bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ năm”, nhà sử học Chizuko T. Allen viết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Diễn đàn Nhật Bản.
Vai trò của các nữ Thiên hoàng từng được thể hiện trong các bức tranh cổ của Nhật Bản. (Nguồn: CNN) |
Trong lịch sử cổ đại của Nhật Bản, việc nữ giới là người đứng đầu cai trị một lãnh thổ, vùng đất là khá phổ biến, tuy nhiên, Giáo sư Ben-Ami Shillony lại cho rằng, các sách lịch sử của quốc gia này vẫn có xu hướng nhấn mạnh đến chiến công của các nam thiên hoàng. “Ngay cả khi nữ thiên hoàng có thể đạt được nhiều chiến công, họ vẫn không được coi trọng như các nam thiên hoàng”, ông nói.
Nữ Thiên hoàng được ghi nhận đầu tiên của Nhật Bản là Suiko. Bà lên ngôi vào năm 592 sau CN và trị vì trong khoảng 35 năm. Bà đã cho tiến hành một loạt các biện pháp cải cách nhằm hạn chế quyền hạn của các lãnh chúa tại các vùng, nhằm tập trung quyền lực về tay triều đình. Chính nhờ quyết sách đổi mới này mà nền kinh tế cũng như văn hoá của Nhật đã phát triển nhanh chưa từng có.
Nữ Thiên hoàng Koken từng cai trị Nhật Bản trong 2 giai đoạn, từ năm 749 đến 758 sau CN và sau đó lấy danh hiệu là Shotoku từ năm 764 đến 770 sau CN. Bà có công lớn trong việc truyền bá Phật giáo ra khắp Nhật Bản. Nữ Thiên hoàng Genmei (trị vì từ năm 707 đến năm 715 sau CN) thậm chí còn truyền ngôi cho con gái của mình là Gensho sau khi thoái vị.
Vào thời Minh Trị, khi Nhật Bản bước sang giai đoạn hiện đại hóa, Thiên hoàng được khôi phục uy quyền và được giao trọng trách nắm giữ quân đội. Và theo các nhà lãnh đạo thời Minh Trị, vị trí này không thể do phụ nữ đảm nhiệm. Dù học hỏi nền hiến pháp của phương Tây nhưng các nhà lãnh đạo thời này lại không theo mô hình của Hoàng gia Anh mà lại theo hiến pháp của nước Phổ -vốn cấm phụ nữ lên ngôi.
Áp lực từ dư luận
Sau thất bại tại Thế chiến thứ II, sự chiếm đóng của quân đội Mỹ đã mang lại những sự đổi thay trong xã hội Nhật Bản khi những “giá trị Mỹ” được du nhập. Nhờ đó, phụ nữ Nhật đã được trao quyền bầu cử vào năm 1945 nhưng thời diểm đó vẫn chưa thực sự có nỗ lực nào để sửa đổi luật, cho phép phụ nữ được thừa kế ngai vàng.
Vai trò của Thiên hoàng cũng thay đổi đáng kể. Theo Hiến pháp Nhật Bản, sau năm 1945, Thiên hoàng chỉ là người đứng đầu quốc gia về mặt danh nghĩa và không tham gia vào công việc chính trị.
Cây gia phả của Hoàng gia Nhật Bản. |
Những tranh cãi xung quanh việc để phụ nữ được kế vị trong hoàng gia Nhật Bản ngày càng nóng hơn vào năm 2004 khi Thủ tướng Junichiro Koizumi còn tại nhiệm. Thời điểm đó, Hoàng gia Nhật Bản đứng trước áp lực khá lớn khi không thể sinh được người nam kế nhiệm kể từ năm 1965.
Giáo sư Ben-Ami Shillony cho biết, từng có đề nghị thay đổi hệ thống pháp lý, cho phép Nhật Bản có nữ Thiên hoàng và phục hồi tước vị của các thành viên hoàng gia từng bị tước bỏ nhưng đề xuất này sau đó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía những người bảo thủ cực đoan trong Quốc hội. Các đề xuất đã bị hoãn lại sau khi Công nương Kiko – vợ của Hoàng tử Akishino sinh hạ Hoàng tử Hisahito vào năm 2006.
Theo cuộc thăm dò của nhật báo Yomiuri Shimbun từ tháng 10 đến tháng 11/2018, gần 2/3 số người được hỏi muốn sửa đổi luật để cho phép phụ nữ trở thành người thừa kế hợp pháp.
“Tôi chỉ thắc mắc tại sao Công chúa Aiko không thể lên ngôi. Nếu chỉ vì cô ấy là một cô gái thì tôi nghĩ nó không phù hợp với thời đại hiện nay. Tại sao chúng ta không cho phép những người thừa kế nữ như Nữ hoàng Elizabeth trong chế độ quân chủ Anh?”, Mizuho, 30 tuổi, cư dân Tokyo, nói với AFP.
Theo AFP, trong khi thái độ của công chúng dường như đang thiên về hướng thay đổi luật kế vị để cho phép phụ nữ cai trị thì cơ hội cải cách cụ thể có vẻ xa vời, nhất là trong bối cảnh, vai trò của phụ nữ tại Nhật Bản vẫn chưa thực sự được coi trọng. Chỉ 10% các chính trị gia tại Hạ viện Nhật Bản là nữ, theo dữ liệu công bố đầu năm nay – đây cũng là tỷ lệ chênh lệch giới tính khá cao tại một cơ quan lập pháp của một quốc gia. Quan niệm coi trọng vai trò của nam giới hơn nữ giới vẫn khá phổ biến tại Nhật Bản.
Khi Quốc hội thông qua luật cho phép hoàng đế cao tuổi từ chức một lần duy nhất vào năm 2017, họ cũng kêu gọi Chính phủ “nhanh chóng nghiên cứu” các cải cách cho phép con trai của phụ nữ hoàng gia trở thành hoàng đế. Chính phủ cho biết những cuộc thảo luận này sẽ bắt đầu ngay sau ngày 1/5, khi Thái tử Naruhito lên ngôi.
| Cuộc đời Nhật hoàng Akihito qua ảnh: Bộ mặt nước Nhật suốt 3 thập kỷ Sau 30 năm trì vì, Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị ngày 30/4, nhường ngôi cho Thái tử Naruhito. Triều đại của ông bắt ... |
| Nhật Bản chính thức công bố tên triều đại mới niên hiệu là “Reiwa” Nhật Bản hôm nay chính thức thông báo, triều đại Nhật Hoàng mới sẽ có niên hiệu là “Reiwa”. Triều đại này chính thức bắt ... |
| Mùa xuân mới trong quan hệ Việt - Nhật Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt ... |