📞

Chuyến đi nhiều mục đích của ông Abe

15:04 | 22/09/2016
Việc Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ hồi năm 2015 là động lực cho nhiều quốc gia mong muốn hợp tác với Havana, trong đó có Nhật Bản.

Sau khi tham dự kỳ họp cấp cao lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ), từ 22-24/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm lịch sử đến Cuba với hứa hẹn mở ra một chương mới trong quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Tìm “nước xa” để cứu “lửa gần”

Theo lịch trình được Chính phủ Nhật Bản công bố, trong thời gian tại Cuba, ông Abe sẽ hội đàm với Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác của Havana trong vấn đề Triều Tiên tiến hành thử tên lửa và hạt nhân, cũng như việc Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật Bản làm con tin.

Cuba và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1960 và trong suốt những thập kỷ qua, hai bên vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Theo Japan Times, Cuba thậm chí từng cố gắng chuyển vũ khí đến Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm của LHQ đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Tháng 5 vừa qua, đại diện cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Cộng sản Cuba đã nhóm họp để bàn thảo các biện pháp tăng cường quan hệ trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Chính vì thực tế nói trên mà Tokyo tin rằng, Havana có vị thế và tiếng nói nhất định để có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Bình Nhưỡng. Trong những tháng gần đây, khi Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, Tokyo thực sự quan ngại trước những bước tiến nhanh và mạnh mẽ về công nghệ của Bình Nhưỡng. Nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể sớm hoàn thành việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, qua đó nâng cao khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Washington D.C hay New York.

Vì vậy, Nhật Bản đã cùng với Hàn Quốc, Mỹ đề xuất LHQ đưa ra một nghị quyết mới nhằm trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn. Trước khi đến Cuba, trong chặng dừng chân tại Mỹ, Thủ tướng Abe đã tập trung đề cập đến chương trình hạt nhân Triều Tiên tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ, cũng như trong các cuộc gặp riêng với chính giới Mỹ, trong đó có ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Sức hút kinh tế Cuba

Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, chuyến thăm Cuba lần này của ông Abe còn nhằm “cải thiện môi trường đầu tư và giúp các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động sang Cuba”, theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Bản thân các tập đoàn lớn của Nhật như Mitsubishi, Sumitomo và Marubeni cũng đang nỗ lực “tấn công” vào nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội phát triển này. Tuy nhiên, so với các cường quốc khác như Mỹ hay Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản – Cuba chỉ đạt vỏn vẹn 53 triệu USD, trong khi hai bên có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh trao đổi thương mại lên gấp nhiều lần con số này.

Theo The Diplomat, dự kiến trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Abe, Chính phủ Nhật Bản sẽ viện trợ cho Cuba 1 tỷ Yen để giúp Havana mua sắm máy móc, thiết bị y tế, đồng thời giúp Cuba đào tạo bác sĩ thông qua việc hỗ trợ họ thực hành tại các cơ sở y tế của Nhật Bản. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ giảm 120 tỷ Yen trong tổng số nợ 180 tỷ Yen mà Havana đã đến kỳ phải trả cho Tokyo.

Một góc thủ đô Havana, Cuba

Có thể thấy, chuyến công du Cuba của ông Abe chỉ là một trong nhiều hoạt động của Tokyo nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với chính quyền Havana. Tháng 5/2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cùng đại diện 30 doanh nghiệp lớn ở “xứ sở Mặt trời mọc” đã đến Cuba tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Ông Kishida cam kết hợp tác với Cuba trên quy mô lớn và nhiều tầng nấc để hỗ trợ các cải cách mà Chủ tịch Raul Castro đang theo đuổi. Đầu tháng 9 năm nay, lãnh đạo đảng Công Minh Natsuo Yamaguchi cũng đã có chuyến thăm Cuba theo lời mời của Đảng Cộng sản Cuba.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang đối mặt nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường Cuba. Bởi lẽ, nhiều thế lực kinh tế thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc… cũng đang rất quan tâm đến tiềm năng to lớn ở quốc đảo từng một thời bị cô lập với thế giới này. So với Tokyo, Bắc Kinh có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Cuba kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình ký hàng loạt thỏa thuận đầu tư trong chuyến thăm Cuba năm 2014. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng dần triển khai hoạt động kinh doanh tại Cuba trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ…

Ngoài ra, môi trường kinh doanh tại Cuba vẫn gặp nhiều cản trở, chẳng hạn như các doanh nghiệp nước ngoài phải tuyển dụng nhân sự thông qua các cơ quan chính phủ, hay Cuba luôn trong tình trạng thiếu hụt dự trữ ngoại hối. Dù vậy, trên Japan Times, ông Yusuke Nishizawa - Phó Giám đốc Cơ quan Kinh tế đối ngoại Nhật Bản (JETRO) vẫn lạc quan cho rằng: “Tôi chắc chắn rằng ở Cuba có nhiều cơ hội, song việc khai thác những tiềm năng này sẽ mất nhiều thời gian”.